Bàn luận

May mà không phải Tàu 25. 09. 10 - 1:26 pm

Lê Hà


 

Xem bài giới thiệu triển lãm Bodies trên Soi, mới thấy mình thật may là không phải người Tàu. Nước mình dù cũng có biết bao nhiêu vấn đề về dân chủ, nhân quyền, nhưng ít ra gần đây Quốc hội cũng mới ban hành một điều luật trong đó quy định xác tử tù phải được trả về cho người thân, trừ một số trường hợp đặc biệt (không hiểu là gì nhưng chắc chắn không phải để cho một ông Tây bà Tây nào đó ngâm formol rồi banh ra làm đạo cụ cho một cuộc sắp đặt kiểu này).

Tàu thì khác, đối với tử tù, dù đã phải trả giá cho tội ác của mình bằng cuộc sống, thì cái xác còn lại cũng vẫn không được là của mình, được trả về cho bố mẹ vợ con gia đình mình, mà hoàn toàn trong tay nhà cầm quyền. Xét về quy mô của cuộc triển lãm với hàng ngàn cái xác, chắc chính phủ Tàu đã phải huy động toàn bộ xác tử tù cả nước trong thời gian dễ đến cả năm để làm việc này (tôi nhớ đọc ở đâu đó số tử tù bị xử bắn hàng năm ở Trung Quốc khoảng đâu 5.000 người, cao nhất thế giới).

 Xét về phong tục tập quán của dân Tàu vốn coi trọng mồ mả tổ tiên, chết phải toàn thây, thái giám ngày xưa vào cung bị hoạn còn được một chỗ để cất của quý dành đến lúc chết được chôn cùng, hàng năm có hẳn một ngày để cả nước cúng những vong hồn không mồ không mả không người thờ cúng, mới càng thấy tính khủng bố của nhà cầm quyền trong trường hợp này. Chắc chắn họ hiểu rõ nỗi đau mà tử tù và người thân tử tù phải chịu đựng khi biết xác của mình hay người thân của mình bị phanh ra, sắp đặt trong những tư thế quái dị hoặc dâm dục để làm trò tiêu khiển (hay là để tạo nên một cảm xúc xyz gì đó ở đám khán giả vốn quen với những trò quái đản ở trời Tây), nhưng họ vẫn làm vậy chắc cũng không vì một lý do gì khác ngoài việc để thị uy, cảnh cáo răn đe về sự khủng khiếp của cái án tử hình, rằng cái án đó không chỉ có nghĩa là chết mất xác, mà cái xác còn bị cắt xẻo sắp xếp tùy hứng của “mấy thằng Tây nghệ sĩ” cho một “lũ Tây khả ố” tiêu khiển.

Nói đến đây thì lại thấy tởm nốt mấy thằng Tây cứ mạnh mồm sang châu Á mà rao giảng về dân chủ, nhân quyền, nhưng khi cần thiết thì sẵn sàng sang Trung Quốc gom xác tử tù về nghịch ngợm. Cái tối thiểu nhất của nhân quyền là quyền được làm chủ cái thân mình, dù sống hay chết. Sẽ không có gì là sai trái nếu triển lãm này được thực hiện trên cơ thể những người tình nguyện hiến xác trong tình trạng thần kinh tỉnh táo, và biết rõ những gì người ta sẽ làm với cái xác của mình (chứ không chỉ chung chung là phục vụ khoa học hay nghệ thuật). Rõ ràng là những người tự xưng là nghệ sĩ này đã không thể thực hiện được cái việc thu gom xác theo phương thức nói trên ở phương Tây, và quay sang Trung Quốc như một nguồn cung cấp không chỉ hàng hóa phổ thông, mà còn xác chết số lượng không hạn chế với quyền vầy vò không hạn chế. Hoan hô nước Pháp, với lệnh cấm của mình, đã gửi đi thông điệp là mọi thứ, kể cả tự do sáng tác cũng luôn cần có giới hạn, nhất là giới hạn của lương tri.

Phải chăng Phương Tây, vì thói tò mò ích kỷ của mình, đã ngu ngốc trở thành một phương tiện để truyền đi thông điệp răn đe của chính quyền Trung Quốc đối với nhân dân về hình phạt tử hình dành cho một số loại tội phạm nghiêm trọng, trong đó nghiêm trọng nhất (đối với nhà cầm quyền Trung Hoa) là các tội đòi dân chủ, nhân quyền, lật đổ chính phủ. Hay ngược lại? Phương Tây giả ngây thơ yêu nghệ thuật để người ta càng thấy chính quyền Trung Quốc là tàn bạo?

Với những người tìm thấy vẻ đẹp của cuộc triển lãm, lấy lý do như nhờ đó mà hiểu rõ hơn giải phẫu sinh lý người, hiểu rõ hơn những giới hạn của cơ thể, những phù du của cuộc sống v.v., tôi cho rằng về mặt tâm lý học, đó cũng là một phương án để tránh khỏi cảm giác có lỗi. Không rõ họ có khi nào nhắm mắt lại mà tưởng tượng những xác người kia là của người thân mình, bị lột trần truồng, bị banh, băm, chặt, sắp xếp trong những tư thế gợi dục không v.v.? Hay chỉ cần nghĩ tới người thân nằm nghiêm cẩn trong quan tài là đã nghẹn ngào vội xua tay quầy quậy?

Giờ đây, trong một thế giới đầy tai ương, tai nạn, cái lý thuyết hay được đưa ra nhất là “tập nhìn thẳng vào cái chết”. Cái chết, sinh ra là để chết, ai mà chẳng biết thế, chẳng cần phải tập thì cũng đến ngày nó tới dòm lom lom tận mặt. Tôi cũng đã một vài lần vô tình suýt chết, để một thời gian sau đó về nhà thấy yêu vợ con bố mẹ người thân hơn hẳn trước, để thấy trân trọng những niềm vui nhỏ nhỏ của đời thường, và đỡ đi những dằn vặt bức xúc mà so với sự sống cái chết chẳng còn mấy ý nghĩa. Nhưng nhân danh chuyện cần tiếp cận với cái chết bằng cái giá là nỗi đau đớn dai dẳng và có thực về mặt tâm linh của hàng nghìn tử tù và hàng vạn người thân tử tù thì cũng đáng trăn trở chứ. Để có cảm giác bần thần, xáo đảo sau khi xem, sao không thử vài hình thức khác vô hại hơn, như nhảy từ trên tầng cao xuống (chân có buộc dây), hay nửa đêm vào nằm thử trong nhà xác bên các bạn tử thi (dù có thể nằm trong ngăn kéo lạnh hay trong lồng bàn sắt), cần hiệu quả đặc biệt nữa thì để thêm bát cơm quả trứng có cắm que hương bên cạnh. Cái chết, qua những cách này, cũng sẽ được nhìn rất thực, lại chẳng làm ai đau đớn.

Nói đến đây chắc một số người sẽ bảo, những xác người kia đã chết rồi, có gì là đau đớn nữa đâu mà phải kêu om lên thế!

Tôi muốn hỏi, trong chúng ta, ai là người có thẩm quyền, có trải nghiệm thật để khẳng định chết là hết? Ai là người biết chắc những phần thân thể ta nhìn thấy tan rã ở thế giới này có thực sự tan rã ở thế giới bên kia? Và như trên đã nói, người chết có thể đã chết rồi, cuộc sống phía sau cái chết có thể không còn cần thân xác hữu hình để mà cảm nhận (dù thiên đường hay địa ngục), nhưng còn cảm giác của những người thân còn sống, những cha những mẹ những con những cháu tử tù sống trong xã hội Trung Quốc qua hàng nghìn năm, hàng đống biến động lịch sử vẫn còn nguyên rất nhiều truyền thống?

Tôn giáo có một sức mạnh vô biên chính vì đánh trúng câu hỏi vĩnh cửu: ta ra sao sau khi chết? Thế giới bên kia cho đến nay toàn do đầu óc con người tưởng tượng ra, hoặc ngỡ là nhìn thấy. Các đáp án cho đến nay cũng chỉ xoay quanh phần “linh hồn”, thân xác là phù du, là “hết”. Nhưng thế địa ngục thì sao? Vạc dầu là thế nào? Không có thể xác thì lấy gì mà đau, lấy gì mà sợ tra tấn? Mâu thuẫn sờ sờ ra đấy, mà người ta vẫn cứ trăn trở đời này qua đời khác. Đâu thể cứ nhân danh khoa học hay nghệ thuật, rồi xuề xòa chết là hết mà muốn làm gì thì làm với thân xác của người khác (đã chết nhưng chưa cho phép) được.

Triển lãm Bodies, vì thế, tôi nghĩ là nên dành cho những người vô thần (theo đúng nghĩa vô thần, không mang ý nghĩa chính trị) – những người không tin vào thế giới bên kia. Nếu đi xem, chắc chắn là tôi cũng sẽ thay đổi nhiều quan niệm trong đầu, trước hết là tôi tin rằng về bản chất, con người đúng là loài ăn thịt. Kế đến là tôi hạnh phúc, vì tôi tin kiếp trước tôi hiền nên kiếp này tôi không phải làm con dân nước Tàu.

*

(Tên bài do Soi đặt)

*

Bài liên quan

“Bodies” đã bị cấm tại Pháp 
– Bodies: tôi đã xem và đã thấy…
– May mà không phải Tàu
– Tôi không biết tôi ở phe nào
– Von Hagens đã ướp xác ra sao?
– Xung quanh triển lãm Bodies: Kẻ buôn bán cái chết

Ý kiến - Thảo luận

12:10 Thursday,3.11.2016 Đăng bởi:  NMH
Em chỉ xin phép góp ý chút về đoạn này:

"Nước mình dù cũng có biết bao nhiêu vấn đề về dân chủ, nhân quyền, nhưng ít ra gần đây Quốc hội cũng mới ban hành một điều luật trong đó quy định xác tử tù phải được trả về cho người thân, trừ một số trường hợp đặc biệt."

Ở Sài Gòn thập niên 1980 khi xây dựng công viên Lê Văn Tám và công viên Lê Thị Riêng
...xem tiếp
12:10 Thursday,3.11.2016 Đăng bởi:  NMH
Em chỉ xin phép góp ý chút về đoạn này:

"Nước mình dù cũng có biết bao nhiêu vấn đề về dân chủ, nhân quyền, nhưng ít ra gần đây Quốc hội cũng mới ban hành một điều luật trong đó quy định xác tử tù phải được trả về cho người thân, trừ một số trường hợp đặc biệt."

Ở Sài Gòn thập niên 1980 khi xây dựng công viên Lê Văn Tám và công viên Lê Thị Riêng trên nền 2 nghĩa trang Sài Gòn trước 1975, chính quyền ta đã đào và xử lý hết số xác và mộ bằng cách đem lên xe chở đi mà không ai biết là đi đâu. Bây giờ nhiều người gốc Việt về tìm kiếm hài cốt của bà con bị mất đã nhận được trả lời hồ sơ bị thất lạc đấy ạ. 
18:15 Thursday,25.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN ĐỌC THẤY
Tôi chưa có điều kiện đọc bài của Lê Hà nhiều, nhưng qua một số bài của Lê Hà gần đây tôi rất thích cách tư duy của Lê Hà.
Chúc cho Lê Hà có những bài viết hay.
Ái mộ!
...xem tiếp
18:15 Thursday,25.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN ĐỌC THẤY
Tôi chưa có điều kiện đọc bài của Lê Hà nhiều, nhưng qua một số bài của Lê Hà gần đây tôi rất thích cách tư duy của Lê Hà.
Chúc cho Lê Hà có những bài viết hay.
Ái mộ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả