Bàn luận

Bodies: tôi đã xem và đã thấy… 24. 09. 10 - 9:40 pm

Trần Trọng Linh

 

Chào các nghệ sỹ đồng nghiệp, chào các bạn yêu và quan tâm đến nghệ thuật,

Với tư cách là một nghệ sỹ và may mắn được trực tiếp xem tác phẩm hai lần trên đất Pháp, tôi có một vài suy nghĩ và cảm nhận muốn gửi đến mọi người cùng tham khảo.

Trước khi đến với triển lãm Our Body tôi có nghe và đọc rất nhiều về tác phẩm trên, tâm lý nửa tò mò và cũng giống như rất nhiều các bạn cmt ở bài viết này khá bức xúc về việc sử dụng xác của những người chết với mục đích thương mại và không được sự đồng thuận của gia đình hay trực tiếp từ những người được sử dụng xác. Báo chí Pháp cũng om xòm chuyện này khá lâu.

Nhiều khi đi xem một triển lãm với tâm lý sẵn có anh ghét tay nghệ sỹ này hay nhóm nghệ sỹ này, khi đến xem anh chỉ muốn dành cho chúng những lời lẽ bẩn thỉu nhất, hoặc giả luật pháp cho phép anh chỉ muốn dí súng cho mấy viên kẹo đồng vào đầu bọn chúng. Trong tâm lý con người, trường hợp này được gọi là Giả Mặc Định, nó thuộc một phần nhỏ trong chuỗi quy trình tâm lý tự kỷ ám thị. Anh không cần xét đến tác phẩm mà nghe đồn cái mặt thằng này nó vừa ngu ngu lại khệnh. Vậy là thôi rồi.

Tôi sinh ra vốn gốc văn hóa châu Á nên hiểu những gì thuộc về tâm linh”nghĩa tử là nghĩa tận”, hơn nữa khi các bạn sống xa quê hương thì cái gốc văn hóa đó càng được tôn trọng và gìn giữ hơn. Với sự mặc định rằng triển lãm này không hơn một sự báng bổ vào tôn giáo cũng như phần tâm linh của con người,nhưng tôi muốn được trực tiếp nhìn thấy cái mà người ta gọi là “nghệ thuật vô lối” đó.

Xếp hàng mất gần hai tiếng đồng hồ với cái đuôi dài tưởng như bất tận. Mọi người vẫn kiên nhẫn chờ đợi, trong đó có rất nhiều gia đình đưa theo trẻ nhỏ. Có rất ít người không đủ kiên nhẫn và bỏ cuộc. Tôi được thông báo trước vé vào cửa không miễn phí cho các nghệ sỹ. Giá vé rất đắt, tôi nhớ khoảng 25 euro. Bình thường ở các bảo tàng hay triển lãm ở Pháp vé ưu tiên hàng đầu cho các nghệ sỹ rồi sau đó đến sinh viên, rồi đến những người dưới 25 tuổi.

Mãi rồi cũng đến lượt, rồi một không gian choáng ngợp mở ra trước mắt. Hàng trăm xác người được sử lý nhựa hóa, hàng trăm cách sắp đặt đủ mọi tư thế khác nhau: chơi cờ, đi xe đạp, chơi bóng rổ, bà mẹ mang thai nhi… Thôi thì đủ cả mọi tư thế sinh hoạt đời thường của con người, nhưng không có dáng làm tình.

Rồi tiếp đến một gian khác với các mẫu người được cắt lát xong xếp song song. Kinh hoàng nhất là một bộ da người được lột da và được căng lên một tủ kính, các bạn hãy tưởng tượng đến một bộ da hổ của vua chúa mà người ta vẫn thường đem thuộc và căng lên để đặt dưới chân các ngai vàng. Bộ da người vẫn còn nguyên râu, lông của bộ phận sinh dục.

Và cứ thế tôi đã ở lì trong triển lãm từ lúc khoảng 10h30 sáng đến 6h30 chiều. Khi học trường mỹ thuật, tuy cũng có được học và nghiên cứu về bộ môn giải phẫu học với các giáo cụ trực quan nghèo nàn, nhưng ít nhiều tôi cũng có một cái nhìn khá khái quát về cơ thể con người. Nhưng ở triển lãm này, với các kỹ thuật, phải công nhận thật sự tinh tế. Các lớp cơ xương được bóc tách rất rất chi tiết. Triển lãm cho phép người xem được sờ vào các xác chết.

Tiếp đến là một chi tiết sắp đặt nữa gây kinh hãi cho tôi, đó là trong phòng triển lãm luôn có các dãy ghế băng ngồi nghỉ. Bạn thử nghĩ xem gần 8 tiếng đi bộ ngó nghiêng, tôi cần một chỗ thư giãn đầu óc, và như rất nhiều người, tôi tìm một băng ghế yên tĩnh nghỉ ngơi. Sau khoảng 5 phút nhắm mắt không suy nghĩ gì hết, tôi có cảm giác có một người đàn ông ngồi cạnh, mở mắt ra thì đúng thật: một người đàn ông đang đọc báo, nhưng lạ hơn nữa là ông ta không hề nhúc nhíc. Thật kinh hoàng khi tôi nhận ra đó cũng là một xác chết được sắp xếp trong triển lãm.

Quay lại với câu chuyện tôn giáo, tâm linh và “Nghệ Thuật Vô Lối”. Nếu tôi làm chính trị, khá chắc chắn là tôi theo đường lối bảo thủ. Yêu là phải nắm tay đi dạo Hồ Tây, làm tình là phải trên giường nhà mình chứ không có chuyện nhà nghỉ. Thế nhưng ở triển lãm này, khi được xem trực tiếp, mọi rào cản, mặc định kia của tôi tự gỡ bỏ. Tôi khá mải chơi và thích lang thang, vậy nên phần lớn những bảo tàng lớn trên thế giới tôi đều có cơ hội đến xem. Trong số các bảo tàng đến xem không phải triển lãm nào cũng làm tôi thay đổi được phần cố hữu trong cái gốc con người của mình. Hãy xem xét triển lãm kia với góc độ những người không có chuyên môn, chỉ yêu thích nghệ thuật một cách thuần túy, thì triển lãm này như một buổi học dã ngoại về cơ thể giải phẫu con người. Trong buổi triển lãm, tôi quan sát được không chỉ có trẻ nhỏ mà rất nhiều người lớn thốt lên: “A! Thì ra như vậy”. Tôi nghĩ không ít người như tôi vứt bỏ cái định kiến tôn giáo hay tâm linh chết tiệt ở tít xa xôi đâu đó trong sâu thẳm con người để được chứng kiến, được học, được nhìn những cái trước đó ta luôn né tránh: CÁI CHẾT.

Gunther von Hagens, chủ nhân của chuỗi triển lãm Body Worlds

Xét về phương diện chuyên môn:

– Kỹ thuật xử lí nhựa hóa cho xác ướp thật hoàn hảo. Người xem có thể sờ trực tiếp vào từng xác chết trong môi trường không khí thường không bảo quản.

– Cách sắp đặt của từng tác phẩm hoàn toàn có dụng ý. Từ những dáng người sinh hoạt thuần túy đời thường, đến cả dáng sắp đặt dáng Người Suy Tưởng hay Nụ Hôn Vĩnh Cửu của Rodin, David của Michel. Nó cho ta cái nhìn trực diện vào con người. Như trong tiếng Việt ta có chữ CON NGƯỜI. Trước khi là NGƯỜI chúng ta vốn là CON. Cũng như con vật hàng ngày ta cắt tiết banh xác ra rồi cho vào nồi. Thì con người cũng sẽ chịu những sự đau đớn tương tự. Trong thời điểm hiện tại con người có thể là loại động vật phát triển nhất, nhưng con người xét cho cùng cũng nằm trong mắt xích phát triển của tự nhiên. Với cá nhân tôi, triển lãm trên như một lời nhắc nhở: Con Người ơi hãy quay về cái vốn thuộc về bản chất, hãy nhìn thẳng vào sự vật về cái chết, không né tránh nó. Xuất thân từ một hạt bụi thì hãy cứ vui vẻ khi trở về với hạt bụi. Hỡi ôi quyền lực, hỡi ôi danh tiếng, hỡi ôi chân dài với Lexus rồi cũng về với hư không.

Sau khi ra khỏi triển lãm, tôi đã ngồi một mình và hút hết một bao thuốc, điều mà tôi chưa bao giờ làm. Một bao thuốc với giá 5,5 euro cộng thêm 25 euro vào cửa, vị chi là khoảng 30 euro, đáng ra tôi đã làm được một “cuốc tàu nhanh” với một em tóc vàng Đông Âu để giải quyết cái phần ta vẫn gọi là phần “CON”…

Tiến sĩ Angelina Whatlley (tóc dài) – người thiết kế về mặt ý tưởng cho chuỗi triển lãm

Thế rồi, để kiểm chứng lại những cảm tưởng của mình sau khi xem triển lãm Our Body, tôi quyết định tìm đến xem lại triển lãm này lần hai để tránh đưa ra những nhận định chủ quan cá nhân. Bởi thời điểm cách đây khoảng cỡ hai năm triển lãm này tốn không biết bao nhiêu giấy mực và thời gian để báo các phe phái choảng nhau. Từ một ý niệm trên mà lan ra bàn cãi động chạm đến bao nhiêu vấn đề khác không chỉ xoay quanh vấn đề quyền con người mà còn lôi ra cả vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, thuần phong mỹ tục… rồi cả đến tâm lý hậu lâm sàng sau khi xem triển lãm. Thôi thì đủ cả nhưng tóm lại vẫn bất phân thắng bại cho dù đến thời điểm này lực lượng vẫn chia về hai phe.

Châu Âu vốn thủ cựu mà Pháp lại là cái rốn của châu Âu. Cách đây mấy ngày tôi có đọc báo Le Monde, thông tin cho biết việc quyết  định cấm tác phẩm Oru Body ở Pháp không chỉ liên quan đến những vấn đề đang bàn cãi xoay quanh tác phẩm mà đằng sau đó còn có một số vấn đề khác nữa liên quan đến chính trị giữa tổng thống Nicolas Sarkozy và các ứng cử tống thống khác. (Tổng thống Pháp quyết định ra tranh cử tổng thống lần hai mặc cho chỉ số tín nhiệm dành cho ông thời điểm hiên tại là rất thấp – Ông được giới chính trị châu Âu ví như con hổ giấy).Trong khi đó tác phẩm Our Body thu hút khá đông sự quan tâm của người dân. Có thể phỏng đoán đây là một động thái chính trị vậy nên không thể lấy quyết định tác phẩm trên bị cấm ở Pháp là bị coi là tác phẩm có vấn đề.

Quay lại với chuyện tôi quyết định đi xem lại triển lãm trên (giữa hai lần xem cách nhau khoảng 1 năm).Vẫn ngần ấy tiền vé và ngần ấy thời gian chờ đợi. Mặc dù  lần hai sự sắp đặt tác phẩm hoàn toàn khác với lần đầu tôi xem nhưng cảm giác  của tôi không hề thay đổi. Cả hai lần đến với triển lãm này tôi đều tự rút súng chĩa vào cái đầu nửa nhà quê thủ cựu, cố hữu của mình. Tôi thấy hài lòng khi bỏ một số tiền xem  triển lãm mà đáng ra tôi được một bữa vui vẻ tới bến. Nhưng thay vì đi giải quyết phần CON, tôi đã đến để được ngắm xác chết – cái phần được gọi là CON – để tìm ra cái phần còn lại là NGƯỜI của mình. Linh hồn và cám dỗ. Cám dỗ quá nhiều trên cuộc đời này nên tôi bán linh hồn của mình từ lâu rồi. Đến lúc nhận ra thì luôn là quá muộn, vậy nên tôi không tiếc tiền để chuộc lại Linh Hồn của mình.

Xin hãy nhắm mắt vào một phút để suy nghĩ nhé, về hơn 80 triệu cái con người đi lại ăn uống ngủ nghỉ kia. Họ đi đâu? Làm gì? Và sẽ đi về đâu? Tôi không nhìn thấy nhiều người có Linh Hồn, chỉ là hình bóng hay cái gì đại loại như vậy… đang di chuyển. Như một triển lãm Our Body lớn ngoài trời với không gian thực.

Tôi không được Premier trả tiền để viết ra những điều này, cũng chẳng phải để khoe khoang tôi đã được đi đây đến kia. Anh em đồng nghiệp biết cả, tôi vốn mải chơi, thích lang thang. Nơi nào có xe máy phân khối lớn, có gái đẹp, có bảo tàng, có bãi biển để đọc sách, nơi đó có tôi – một kẻ lười biếng.

Tôi tin rằng những suy xét của tôi về triển lãm trên không sai hoàn toàn duy lý. Đem đến những câu hỏi và những băn khoăn là mục đích của nghệ thuật đương đại. Tôi chỉ muốn viết ra những điều này để nếu ai có cơ may tham gia triển lãm này xin bỏ qua những rào cản mặc định để có cơ hội về một trải nghiệm tuyệt vời.

Với tôi triển lãm này là một trong những triển lãm có tầm ảnh hưởng lớn nhất lớn nhất đến hệ tư duy của nghệ sỹ về thế giới quan giữa nghệ thuật với con người.

Xin lỗi về những câu đùa của tôi trong bài viết này.

Thân ái

*

Bài liên quan

“Bodies” đã bị cấm tại Pháp
– Bodies: tôi đã xem và đã thấy…
– May mà không phải Tàu
– Tôi không biết tôi ở phe nào
– Von Hagens đã ướp xác ra sao?
– Xung quanh triển lãm Bodies: Kẻ buôn bán cái chết

Ý kiến - Thảo luận

21:16 Saturday,7.7.2018 Đăng bởi:  NMH
Đã đến Việt Nam rồi. Ôi...
...xem tiếp
21:16 Saturday,7.7.2018 Đăng bởi:  NMH
Đã đến Việt Nam rồi. Ôi... 
11:26 Thursday,3.11.2016 Đăng bởi:  SA

Các xác đều gốc từ Trung quốc.
Mình khi xem triển lãm này thì không có suy nghĩ gì về nghệ thuật sắp đặt mà coi đó là bổ sung phần kiến thức khoa học rất thấp của mình.
Về vấn đề đạo đức, thì người sống họ còn buôn bán thoải mái được thì ôi dào người chết nói làm gì


...xem tiếp
11:26 Thursday,3.11.2016 Đăng bởi:  SA

Các xác đều gốc từ Trung quốc.
Mình khi xem triển lãm này thì không có suy nghĩ gì về nghệ thuật sắp đặt mà coi đó là bổ sung phần kiến thức khoa học rất thấp của mình.
Về vấn đề đạo đức, thì người sống họ còn buôn bán thoải mái được thì ôi dào người chết nói làm gì

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả