Ăn uống

Oyako don: bố, mẹ, con cùng đầm ấm ăn trứng sống 25. 05. 14 - 7:35 am

Pha Lê

Kỳ trước viết bài đi chợ cuối tuần, tôi lại nghĩ vu vơ đến thực phẩm sạch sẽ của Nhật, đặc biệt là trứng. Trứng thì trẻ con hay người lớn đều thích; Nhật lại không có trò nuôi gà trong chuồng ngập phân như Mỹ, họ giữ chuồng trại sạch sẽ, trứng gà mới đẻ họ dùng máy phun nước khử trùng, rồi dùng máy rọi để xem bên trong có vi khuẩn gì không. Vì vậy, rất nhiều người Nhật ăn sáng bằng món cơm nóng trộn… trứng sống.

Đây, cơm với trứng sống, thường thì người Nhật đổ trứng vào cơm nóng rồi rưới nước tương vô, trộn lên, ăn ngon phết. Bên Nhật gọi món này là tamago kake gohan. (Ảnh trong toàn bài là từ nhiều nguồn trên internet)

Hồi nhỏ nhà còn nuôi gà, tôi cũng húp trứng sống miết mà chả làm sao. Bây giờ thì sợ gà nuôi trong môi trường bẩn dễ nhiễm khuẩn Salmonella nên hơi né trứng sống. Tuy vậy, do đã quen nên dù có nấu thì tôi vẫn thấy trứng phải hơi lỏng mới ngon, chứ chín hết là rất chán. Nghĩ lung tung một hồi tôi lại nhớ tới món oyako don ngon tuyệt lẫn giàu tình cảm của Nhật, nên hôm này bày vẽ tí cho mọi người tập làm.

Tôi có khá nhiều kỷ niệm vui với món này, oyako don căn bản có trứng, thịt gà, và/hoặc hành Tây. Trong tiếng Nhật, oya có nghĩa “bố mẹ”, ko là “con”, don là viết tắt của donburi – tô cơm. Họ gọi thế vì món oyako don có thịt gà (bố mẹ) và trứng (con) trên tô cơm. Đây là món ăn tượng trưng cho tình cảm gia đình, dễ ăn, và tuy cũng dễ làm nhưng hời hợt là làm không sao ngon được. Lần đầu tiên tôi để ý đến món này là nhờ đọc truyện tranh “Kodomo no Omocha” – kể về cậu bé Akito Hayama bị gia đình ruồng bỏ nên đâm phá phách trong lớp, thế là cô bạn Sana đến nhà Hayama và mắng rằng gia đình cậu bé là một lũ “ngốc oyako don” vì không chăm sóc con, để mặc cho con ăn cơm bụi ngoài đường. Bố của Hayama sau đó nhận ra lỗi của mình, và nấu món oyako don để cả nhà ăn tối cùng nhau.

Đoạn Sana đến nhà Hayama và mắng rằng gia đình này là một lũ “ngốc oyako don” (Oyako don idiots.) Truyện hình như đã xuất bản cách đây khá lâu ở Việt Nam, với tựa “Diễn viên nhí” thì phải?

 

Món oyado don với trứng, hành Tây, thịt gà, và chút rau mùi; ăn kèm rau củ ngâm, súp miso. Vừa ngon vừa ấm áp.

Tôi đọc xong “Kodomo no Omocha” thì khoái quá, háo hức đi ăn thử oyako don ngoài tiệm, để rồi thấy rằng sao nó… dở thế. Sau này gặp một bà Nhật, bà giải thích vòng vèo rằng nào là muốn nấu ngon phải có tình cảm gia đình, nào là nhà hàng xịn cũng có thể nấu hư món này, nào là nếu nhà hàng xịn mà nấu hư món này thì cũng coi như vứt đi, rồi bà ấy mới chỉ mình nấu (rõ Nhật!) Ăn xong thấy đúng là nó ngon, và cách nấu cũng Nhật luôn, cơ bản thì món này cần:

– Nước dùng nấu từ tảo bẹ kombu và cá bào kastuobushi (cách làm đã chỉ trong bài đi chợ và bài udon)

– Gà (phần má đùi là dễ lọc xương và ngon nhất, không bị khô như ức) xắt nhỏ thành miếng

– Đường nâu

– Trứng

– Nước tương Nhật (phải là Nhật mới đúng mùi)

– Rượu sake và rượu mirin

– Hành Tây, xắt thành từng miếng vuông vuông bằng với miếng gà (không có cũng được, nhưng nên có để nước ngọt hơn)

Các siêu thị nhỏ chuyên bán đồ Nhật có hết mấy thứ này vì đây là nguyên liệu cơ bản cho bất cứ món Nhật nào. Nhưng nhắc lại là đồ nhập sẽ không bằng đồ “quốc nội” của Nhật. Ví dụ như rượu mirin đúng kiểu Nhật là rượu từ mầm lúa (mạch nha), có vị ngọt dễ chịu, chỉ dùng mầm lúa mà thôi. Đồ nhập sẽ có thêm chút mầm bắp chứ không dùng lúa gạo 100% đâu, tuy nhiên nó cũng khá tốt và cũng là đồ tự nhiên cho lên men chứ không bỏ thêm chất điều vị gì.

Thôi quay lại với cách làm: đầu tiên là đổ nước dùng, đường nâu, nước tương, sake, và mirin vào chảo, nấu cho sôi, đường tan hết (canh lượng nước sao cho khi bạn bỏ gà vào, nước sẽ xâm xấp gà.)

Nước sẽ có màu hơi nâu nâu và thơm dễ chịu như vầy, dùng nước tương Tàu là hết thơm ngay nên phải dùng nước tương Nhật.

Bỏ gà cắt miếng vào chảo, “luộc” gà từ từ trong nước dùng (đừng ham hố cho nhiều thịt quá nhé, từng miếng thịt phải cách nhau ra để chúng có chỗ mà thở.) Khi gà gần chín thì cho hành tây vào luộc luôn.

Bạn đập vài quả trứng vào một cái tô sạch, dùng đũa chọc bể lòng đỏ và từ từ khuấy cho lòng đỏ và trắng hòa vào nhau. Cấm không đánh trứng cho tan như kiểu trứng đúc thịt của Việt Nam, bạo lực thế thì lòng đỏ lẫn trắng sẽ nát ra, trứng mất độ đặc quánh và thành một một mớ nước loãng nhoét, ăn rất tởm.

Khi gà lẫn hành Tây chín rồi thì bạn đổ nửa phần trứng vào, đậy nắp chảo 20-30 giây để nấu cho phần trứng này vừa chín, sau đó đổ tiếp phần trứng còn lại vô, để chừng 5-10 giây là tắt lửa liền, cho ngay “bố mẹ con” lên tô cơm nóng. Không bao giờ nấu cho trứng chín hết, không thì chỉ có nước đem bỏ “bố mẹ con” vào thùng rác.

Nhìn hình thấy thèm, gà luộc trong nước dùng ngon ngọt nên cũng ngon ngọt theo mà chả cần ướp gì, gà lẫn hành Tây đều đã xắt nhỏ nên cũng mau chín. Rồi còn đổ trứng đặc quánh vô chảo, trứng sẽ “thu gom” hết phần nước dùng ngọt còn lại, ăn với cơm là hết ý.

 

Đây là chảo oyako don khi đã nấu xong, trứng còn lỏng, chuẩn bị múc vào tô cơm nóng. Có thể bỏ thêm chút hành lá giống trong hình nếu muốn.

Có dạo tôi bị ghiền món này nên nấu miết, và kết quả chuyện vui thứ 2 liên quan đến oyako don. Chả là cô ruột của tôi có quen một ông bố độc thân; anh này chăm chỉ, dễ thương, việc xong là về với con chứ không hay lang thang. Tuy nhiên anh chàng nấu ăn không khéo mà trường của con gái anh hôm đó lại phát động phong trào bố mẹ trổ tài nấu ăn, và thầy cô giao cho khối lớp của con anh đề tài gà. Anh cầu cứu tôi thì tôi đang sẵn hứng, nói rằng tôi sẽ chỉ anh món oyako don. Anh chàng nhăn mặt, than rằng mình nấu kém lắm, món Nhật nghe sao hoành tráng quá, với lại con gái anh đặc biệt ghét hành Tây, làm món này sợ nó không thèm ngửi.

Tôi trấn an rằng gớm, món này thì bố mẹ thương con là nấu được, nghe thế chứ dễ lắm, với lại đây là món gia đình, trẻ con Nhật ăn ào ào, mà chúng nó cũng ghét mùi hôi của hành chả kém gì trẻ con Việt đâu, đừng có lo. Thế rồi ông bố lóng ngóng vụng về nấu ăn đó cũng trình làng được tô cơm oyako don ngon lành, còn nhắn tin báo rằng con gái anh khoái lắm, lại hết phản đối hành Tây rồi, và vui nhất là món thực ra cũng dễ, hai bố con cùng làm.
 

Nhìn tô oyako don hấp dẫn này thì cũng thấy do mình đã luộc hành Tây bằng nước dùng ngon ngọt rồi nên mùi hôi và vị hăng của hành đã biến mất, bởi vậy con nít rất khoái oyako don dù khi ăn phở bọn nó lén gắp hành ra.

 

Kiểu oyako don như trong hình thì chắc ở Nhật mới dám ăn: tô oyako don còn có thêm quả trứng sống, nhìn cái lòng đỏ là biết trứng chất lượng rồi, xơi cái này thì đủ calories để làm việc tới tối. Món phụ có súp miso, rau ngâm chua, đậu phụ (không chiên) với nước tương. Nhìn có vẻ nhiều nhưng thực chất toàn bộ mâm cơm này ít dầu mỡ, chả chiên xào gì, lại không bột ngọt bột nêm, ăn không sợ mập.

Chẳng biết ở xứ mặt trời mọc nó thế nào, chứ ở thành phố Hồ Chí Mình thì oyako don ăn ở tiệm gì cũng thấy dở (dù đã dặn đầu bếp là làm ơn đừng nấu trứng chín.) Mà bản thân tôi cũng quen mấy anh đầu bếp này và biết họ có tay nghề hẳn hoi. Lần duy nhất ăn oyakon don ngon ngoài quán là ở một quán nhỏ tại Pháp, do một ông già khú nấu. Lần sau cũng tới quán đó, thấy anh khác trẻ hơn nấu oyako don, và oyako của chàng ta cũng dở như thường. Có lẽ, đầu bếp nào chuyên nghiệp quá, quên mất tình cảm gia đình sẽ không nấu ra oyako don ngon chăng? Chắc vậy thật!

Ý kiến - Thảo luận

10:23 Saturday,31.5.2014 Đăng bởi:  T,V.Hưng
@Phale: Hôm học nấu oyako don, ngoài 1 tẹo mang về cho bé con, rõ ràng là chén hết, 3 vị liếm mép thèm thuồng, làm gì còn "thừa" mà cô giáo đòi "đổ"? . Thôi hôm nào cô giáo bầy tiếp cho món mới để "sửa chữa thiếu sót" đê.

...xem tiếp
10:23 Saturday,31.5.2014 Đăng bởi:  T,V.Hưng
@Phale: Hôm học nấu oyako don, ngoài 1 tẹo mang về cho bé con, rõ ràng là chén hết, 3 vị liếm mép thèm thuồng, làm gì còn "thừa" mà cô giáo đòi "đổ"? . Thôi hôm nào cô giáo bầy tiếp cho món mới để "sửa chữa thiếu sót" đê.
 
22:02 Thursday,29.5.2014 Đăng bởi:  phale

@anh Hưng: cô giáo "đổ thừa" rằng nhà cô toàn chảo to không có vung :)) 



...xem tiếp
22:02 Thursday,29.5.2014 Đăng bởi:  phale

@anh Hưng: cô giáo "đổ thừa" rằng nhà cô toàn chảo to không có vung :)) 


 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả