Soi học

Học sử Ukraine, không lề trái cũng chẳng lề phải (phần 1) 28. 04. 14 - 6:02 am

Sáng Ánh

Có lẽ, cảm nhận sự phức tạp của tình hình tại Ukraine hiện nay là người Phi châu hay người Đông Âu chứ không phải là “Tây phương”. Tuy vậy, cái nhìn về vấn đề này, hay nói chung là cái nhìn về mọi vấn đề trên thế giới cổ kim xuất phát từ truyền thông phương Tây (thí dụ, 90% thông tin tại Hoa kỳ là do 6 công ty truyền thông kiểm soát gọi tóm tắt là Mainstream Mass Media (MMS) tức Truyền thông giòng chính – hay lề phải – Tây phương.

À, Tây phương thì cũng có lề chứ, giấy rách còn giữ lấy thì nói gì giấy sạch, giấy to đùng cỡ loại Đại tự báo dán tường. Vì vậy, vấn đề đang sôi sục này thay vì cân nhắc thấu đáo, được họ trình bày một các rất dễ hiểu và đơn giản cho những người sáng dậy nghe đài hay đọc lớt phớt tin.

Nó được trình bày như thế này:

Một nước độc lập của một dân tộc bé bé dễ thương (phần lớn thì cái gì bé cũng dễ thương và xinh xắn) với một nhà nước dân chủ (nhấn mạnh điều này) và chính thống đang bị ngoại bang khổng lồ manh động đe dọa xâm chiếm, ảnh hưởng và lệ thuộc, giật dây và xé ra từng mảnh nếu không làm được họ vừa lòng.

.

Điển tích này đã có từ Tấm Cám, Bạch Tuyết và Bà mẹ ghẻ của cô bé Lọ Lem, ai cũng thích và thuộc lòng. Duy trong các chuyện cổ tích này thì kết quả luôn luôn có hậu, nạn nhân được hiệp sĩ từ đâu phi ngựa đến cứu và chúng ta nghe xong thì có thể đi vào một giấc ngủ ngon. Ở ngoài đời, thực tế có khi khác, và thường thường thì nó, tức là thực tế, bao giờ cũng tự khẳng định được. Trong việc Ukraine này, cho đến hồi này, thì hiệp sĩ mất yên, tuột khỏi lưng ngựa và chỏng vó, lò dò đứng dậy, thấy mọi người cười bò, chàng bèn (từ xa) tuốt kiếm ra bộ dõng dạc oai hùng “Này, ta nói cho nhà ngươi biết…”. Biết cái gì, thì hồi sau sẽ tiếp.

.

Phi châu được cho là nhiêu khê những vấn đề sắc tộc, tôn giáo. Thực ra nhiêu khê và bất ổn là vì những vấn đề này đã không được lưu tâm vào lúc lục địa được giải đế vào những năm 60 trong thế kỷ trước. Nếu châu Phi bị các đế quốc thực dân xâu xé và cai trị thì khác với Tây Âu ổn định và oách như ta biết, một phần Đông Âu trong lịch sử cũng là kết quả của giằng xé giữa những đế chế ra phết vẻ oai hùng. Khu vực Balkans chẳng hạn là điển hình cho sự phức tạp này đến nỗi đồng nghĩa (trong tiếng Pháp) với “thôi đừng nói đến nữa, tối tăm, rắc rối nhức cả đầu”. Vào thủa kẻ viết này thi tốt nghiệp phổ thông, thày Sử Địa nhắn cả lớp, vào vấn đáp gặp đề tài Thế chiến thứ nhất, các em chỉ cần tìm cách làm sao lọt được từ “Bosnia-Herzegovina” vào một câu là đủ điểm trung bình!

Đây là khu vực Đế chế Áo-Hung cai trị, Đế chế Nga tràn sang, Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm, Đế chế Đức-Phổ ngắm nghé, Đế chế Anh định ảnh hưởng thì Đế chế Pháp nhảy vào can. Thế chiến thứ nhất có thể xem là bắt nguồn từ rối rắm này, và kết quả sau đó đã tạm định hình khu vực lại một thời gian cho đến…Thế chiến thứ hai.

“Đường dây bằng hữu”, biếm họa đăng trên tờ Brooklyn Eagle vào tháng 7, 1914. “Nếu Áo tấn công Serbia, Nga sẽ đánh Áo, Đức sẽ túm Nga và Pháp Anh sẽ túm lấy Đức”

Kết quả cuộc chiến thứ hai này đã vẽ lại những đường biên dân tộc và quốc gia lỉnh kỉnh cho đến khi Liên Xô sụp đổ. Nam Tư (Yugoslavia) trong thập niên 90 đã trải qua nội chiến ly khai khiến Bosnia giờ là một quốc gia mới sau khi choảng nhau với chính quyền trung ương Yugoslavia; không những thế mà còn choảng cả với lại cả Croatia dù cả hai đều ly khai và chống lại Trung ương. Kết quả, nói qua, là so với thời kỳ thuộc Nam Tư, giờ tuy thuộc EU hẳn hòi, tình trạng kinh tế tại Bosnia chẳng khá hơn gì lúc trước và tuy giờ có café Starbucks, món nợ quốc gia tăng lên gấp 10!

Kosovo là nước cuối cùng trong khu vực ra đời, trong khi cho đến giờ Macedonia vẫn chưa cầu chứng được cái tên gọi và chính thức vẫn phải gọi lằng nhằng là Former Yugoslav Republic of Macedonia (FYROM), Cộng hòa Macedonia của Nam Tư cũ!

Dẫn nhập kiểu này vẫn chưa thấy Ukraine ở đâu vào đây?

Ukraine ở cực Đông của khu vực này, phần thuộc Áo-Hung, Ba Lan; phần thuộc Nga và kị binh Cossacks phi qua phi lại. Crimea vào giữa thế kỷ 19 là nơi tranh chấp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, với Anh và Pháp theo phe Ottoman đánh hôi. Tất nhiên có một dân tộc Ukraine ở một vùng đất Ukraine, nhưng vùng đất này không phải là biên cương của Ukraine ngày nay. Cộng hòa Xô Viết Ukraine thành hình năm 1922, không có phần cực Tây và không có Crimea (năm 1921 là một Cộng hòa Xô Viết độc lập).

Bản đồ chiến tranh vùng Balkan năm 1877, Nga được phương Tây mô tả như một con bạch tuộc đang quấn lấy Thổ Nhĩ Kỳ mong manh.

 

Đường đỏ là Ukraine ngày nay. Màu nâu đậm là Ukraine thuộc Áo-Hung và màu nâu nhạt là các lãnh thổ khác cũng thuộc Áo-Hung,

 

Đường vàng là Ukraine ngày nay. Màu xanh cây đậm là Cộng hòa Nhân Dân Ukraine, xanh cây nhạt là Cộng hòa Tây Ukraine do Ba Lan kiểm soát. Màu xám là Bạch Nga và màu hồng là Xô viết, Pháp lúc đó chiếm Odessa và Sevastopol tại Crimea.

 

Đường xanh lá cây là biên giới của Ukraine ngày nay. Nhìn ba bản đồ (3-1918 đến 3-1921) này không phải để hiểu mà là… để không hiểu gì hết. Điều ghi nhận được là Besarabia và Bukovina trước thuộc Romania, Carpatho-Ruthenia thuộc Tiệp Khắc và Galicia-Volynia thuộc Ba lan. Điều hiểu được là tại sao Ukraine ngày nay phân hóa.

Sau hiệp ước Đức-Nga 1939, miền Tây (Galicia) Ukraine mới được sát nhập vào Liên Xô theo thỏa thuận của đôi bên. Khi Thế chiến hai xảy ra, khu vực này theo Quốc xã, tàn sát dân cư Do thái, Ba Lan, Ukraine và Nga, thì theo kiểu Quốc xã ấy mà. Chẳng may cho họ, Quốc xã lại thua trận, Galicia sát nhập lại trở về Ukraine Xô viết. Crimea, một cộng hòa độc lập 1921-1945, được sát nhập Nga, thành một khu vực tự trị 1945-1954. Năm 54, ông Kruschev nổi hứng sát nhập khu vực tự trị này vào Cộng hoà Xô Viết Ukraine.

Biên giới hiện nay của Ukraine là biên giới của Cộng hòa Xô Viết sau 1954 và được quốc tế công nhận 1992. Quốc gia đầu Đông đuôi Tây này từ ngày Liên Xô tan rã trở thành độc lập và giờ như ta thấy, nếu đuôi vẫy một đằng và đầu lắc một nẻo là có lý do cả.

.

Các cuộc bầu cử từ thời kỳ hậu Xô viết đều cho thấy Ukraine với đường biên giới này là một quốc gia phân hóa Đông/Tây ở mức bão hòa, lúc bên này 51% thì bên kia 49% rồi ngược lại. Miền Đông là khu vực kỹ nghệ và hầm mỏ, lợi tức cao hơn miền Tây là canh nông.

.

Năm 1992, dân số Ukraine là 51 triệu, hiện nay còn có 44. Theo World Bank, tổng sản lượng bình quân của Ukraine năm 2012 là 3,867 USD. Tình trạnh kinh tế của Ukraine thêm được một mớ đại gia tỉ phú, kẻ mua căn hộ đắt nhất London, người mời Jennifer Lopez sang giúp vui cho đám cưới của con gái. Nhưng không phải ai cũng được nghe nàng hát tại nhà và nền y tế công cộng, giáo dục và an ninh xã hội, tiền hưu, bảo hiểm xuống cấp trầm trọng, tới cột đèn mà biết đi cũng đã bỏ nước mà đi.

Đi đâu? Đi Mỹ, đi Anh nhưng nào họ có cho sang, trừ thiếu nữ chân dài có hôn phu bụng bự đang đợi sẵn (con số này không ai biết đích xác nhưng riệng tại Kiev đã có trên 70 công ty môi giới hôn nhân với người nước ngoài), thì đi Nga lao động và con số này đến 5-7 triệu người. Tổng sản lượng bình quân của Nga năm 2012 là 14,037 USD và lương tại Nga cao gấp 3 hay 4 lần tại Ukraine. Nhìn sang phía láng giềng ở phía Tây, Ba Lan (12,710 USD) Romania (8,437 USD) Bulgaria (6,977 USD) mặc dù thuộc khối EU, nhưng thu nhập đều thấp hơn cả và họ chẳng cần đến lao động Ukraine. Kỹ nghệ miền Đông lại phụ thuộc vào trao đổi với Nga, tức là xuất sang Nga. Gia nhập EU thì mối khách này sẽ mất, công nghệ yếu kém Ukraine nếu đáp ứng được nhu cầu của Nga thì ngược lại sẽ bị EU đè bẹp, chẳng mấy chốc mà miền Đông này sẽ điêu tàn như thí dụ nhà máy thép rơi vào tay Acilor-Mittal của Tây phương (năm 2005 khi bán Kryvorhyzstalcho A-M, số lao động là 57,000 người, năm 2011 là 37,000).

Đó là về mặt kinh tế nhưng con người không chỉ có sống nhờ borscht (“Con người không chỉ sống bằng bánh mì” – Giê su Ki tô, Tân ước, Matthieu 4:4)

Borscht là phở Nga (Ba Lan, Hung…), trong hí họa này bà mẹ dụ con ăn cho xong tô phở borscht, để sau này lớn còn làm Tổng thống Nga!

Ý kiến - Thảo luận

0:16 Tuesday,6.5.2014 Đăng bởi:  SA
Cám ơn Con Khokol"Sau hiệp ước Đức-Nga 1939, miền Tây  Ukraine (Galicia) mới được sát nhập vào Liên Xô theo thỏa thuận của đôi bên".
 

...xem tiếp
0:16 Tuesday,6.5.2014 Đăng bởi:  SA
Cám ơn Con Khokol"Sau hiệp ước Đức-Nga 1939, miền Tây  Ukraine (Galicia) mới được sát nhập vào Liên Xô theo thỏa thuận của đôi bên".
 
 
17:23 Monday,5.5.2014 Đăng bởi:  Con Khokhol
"Sau hiệp ước Đức-Nga 1939, miền Tây (Galicia) Ukraine mới được sát nhập vào Liên Xô theo thỏa thuận của đôi bên". Câu này mong ngài SA viết rõ hơn, kẻo người đọc nghĩ bác viết từ 1921 (khi Liên Xô thành hình) đến 1939 ukraina ở một chân giời nào đó ngoài quỹ đạo xô viết?

...xem tiếp
17:23 Monday,5.5.2014 Đăng bởi:  Con Khokhol
"Sau hiệp ước Đức-Nga 1939, miền Tây (Galicia) Ukraine mới được sát nhập vào Liên Xô theo thỏa thuận của đôi bên". Câu này mong ngài SA viết rõ hơn, kẻo người đọc nghĩ bác viết từ 1921 (khi Liên Xô thành hình) đến 1939 ukraina ở một chân giời nào đó ngoài quỹ đạo xô viết?
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thông báo số 1 và 9 cái băn khoăn

Thông tin từ Cục Mỹ thuật–Nhiếp ảnh–Triển lãm và NGUYỄN THỊ HOÀI BÃO

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả