Gẫm & Bình

Xem tranh để biết Phục sinh – phần 2: Mạnh hơn cái chết, lớn hơn cả sự ra đời 24. 04. 14 - 6:06 am

Anh Nguyễn biên soạn

Tiếp theo phần 1

Số bảy: Chúa hứa thiên đàng cho kẻ trộm

“Christ on the Cross between the two thieves”, của Peter Paul Rubens, 1619

Tất cả bốn Phúc âm đều kể về hai tên trộm cùng bị đóng đinh với Jesus, một bên phải, một bên trái. Theo Phúc âm của Mark và Matthew, cả hai tên trộm cùng chế giễu, cười cợt Chúa, rằng nếu ngài quả thực là đấng Cứu thế, cớ sao ngài không thể tự cứu mình? Tuy nhiên phúc âm Luke thuật lại rằng tên trộm bên phải, hay còn được gọi là tên trộm lành (the good thief) đã mắng tên bên trái rằng:” Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Sau đó tên trộm lành đã khẩn cầu Jesus:”Xin Ngài nhớ đến con khi Ngài về vương quốc.” Và chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, tên trộm đã quy phục, phó thác cho ý Chúa, và y đã được Chúa cho thỏa ý nguyện. Chúa phán rằng tên trộm lành sẽ được cùng với Chúa ở Thiên đàng ngay hôm đó! Sự chuộc tội này có điểm tương đồng với khái niệm “buông dao thành Phật” trong triết học Đông Á. Tuy tên của tên trộm lành không được tiết lộ, song y thường được nhắc tới với tên thánh Dismas.

Số tám: Hạ thi thể Chúa từ cây thập tự

“Deposition of Christ from the Cross”, của Rogier van de Weyden, 1435

Cảnh hạ Chúa từ cây thập tự giá là một chủ đề thách thức đối với nhiều họa sĩ, vì nó đặt ra nhiều bài toán hóc búa về bố cục, cách dàn xếp các nhân vật và khắc họa các thái cực tình cảm phức tạp. Số lượng nhân vật trong cảnh này không có giới hạn, ngoại trừ ba nhân vật: Joseph xứ Arimathea, Nicodemus, và Chúa Jesus. Joseph đã hiến tặng ngôi mộ của mình cho Chúa, và hai người giúp đưa thi thể của Chúa xuống từ cây thập giá.

Vào thời Trung cổ, những chi tiết được thêm thắt vào cho cảnh Khổ nạn thêm phần kịch tích, trong đó có spasimo – tên gọi mà các nhà thần học dành cho motif Đức Mẹ đau khổ trước cảnh cái chết thảm của Chúa. Cái sọ người ở bên cạnh tay của Đức Mẹ chính là đầu lâu của Adam. Nơi chôn cất của Adam và địa điểm đóng đinh câu rút được coi là cùng một chỗ. Người phụ nữ có điệu bộ kịch tích ở bên phải chính là Mary Magdalene, bình đựng dầu thơm được người hầu đỡ ở bên cạnh bà. Những người phụ nữ còn lại trong tranh là Mary Salome và Mary từ Clopas, những người chị em của Đức Mẹ.

Số chín: Đức Chúa được táng trong mộ

“The entombment of Christ”, của Caravaggio, 1602

Các Phúc âm đều ghi chép rằng sau khi Chúa bị đóng đinh trên Thập giá vào thứ sáu, Joseph xứ Arimathea đã bọc thi thể Chúa trong tấm vải liệm trắng rồi đưa vào ngôi mộ ông đã cung hiến. Thân thể đã cứng lại của Chúa (rigor mortis) là tâm điểm của bức tranh, ánh sáng tàn nhẫn chiếu vào ngài như ánh đèn trên bàn giải phẫu.

Theo Phúc âm của Mark, hành động xin thi thể của Jesus từ tổng trấn Pilate đế đưa đi chôn cất chưa chắc đã chứng minh được Joseph là một kẻ theo đạo, mà vì luật Do Thái yêu cầu mọi xác chết đều cần được khâm liệm tử tế. Người mặc áo đỏ, gương mặt gần nhất với Jesus là thánh John. Đức Mẹ Mary được miêu tả với gương mặt của một người phụ nữ già nua đau khổ, thay vì cách xử lý theo hướng lý tưởng hóa thường khiến Mary nhìn… trẻ hơn cả Jesus.

“Pieta”, của Michelangelo, 1498


Số mười: Chúa Jesus Phục sinh

Sự kiện quan trọng nhất trong chuỗi các hoạt động hướng tới lễ Phục Sinh, thực ra lại không hề được ký thuật trong Kinh Thánh. Các Phúc âm chỉ kể lại rằng những nữ môn đồ của Chúa quay trở lại ngôi mộ của Chúa vào ngày Chủ Nhật để hoàn thành nghi lễ chôn cất cho người, nhưng lại thấy ngôi mộ trống không! Số lượng các nữ môn đồ có thay đổi, nhưng Mary Magdalene là nhân vật chủ đạo.

Như vậy Chúa đã phục sinh ba ngày sau khi bị đóng đinh trên thập giá. Sự hy sinh của Chúa để cứu chuộc loài người là nền tảng quan trọng nhất của Cơ đốc giáo. Nếu Chúa không phục sinh thì toàn bộ niềm tin của tín đồ vào sự cứu chuộc và tự cứu chuộc là vô ích. Vì thế tuy diễn biến của sự Phục sinh không được miêu tả (vì không có ai được tận mắt chứng kiến), trí tưởng tượng phong phú của các họa sĩ đã biến cảnh tượng này thành cảnh có yếu tố thần thánh nhất trong toàn bộ quy trình Khổ nạn-Phục sinh. Như trong bức tranh sau, ánh sáng rạng rỡ của Chúa khiến những người lính gác mộ choáng ngợp. Tuy lòng bàn tay Chúa còn dấu vết đóng đinh, thân thể ngài hoàn mỹ và đẹp đẽ.
 

“Resurrection of Christ”, của Matthias Grunewald, 1512, thuộc Isenheim Altarpiece

Số mười một: Noli me Tangere

“Noli me Tangere”, tiếng Latin, có nghĩa là “Đừng chạm vào ta.” Đây là những lời Jesus nói với Mary Magdalene sau khi bà nhận ra ngài (đã phục sinh). Chúa hiện ra để an ủi bà, nhưng ban đầu bà tưởng Chúa là một người làm vườn. Tuy nhận ra bà muốn chạm vào ngài, song Jesus không muốn điều đó xảy ra vì ngài sắp lên thiên đàng và không muốn những đồ đệ bám víu lấy hình hài của mình.
 

“Noli me Tangere”, của Titian, 1511

Khi người ta chiếu tia X lên bức tranh này của Titian, có những dấu vết chứng tỏ họa sĩ lúc đầu vẽ Jesus đội một chiếc mũ của người thợ làm vườn, song họa sĩ đã thay đổi ý định. Quang cảnh phía sau hai nhân vật chính là một ẩn dụ lớn: bên phía của Mary Magdalene, những mái nhà lúp xúp là biểu hiện của thế tục, của cõi trần. Cái cây chia đôi bức tranh, giống như Chúa và Mary Magdalene đã thuộc về hai thế giới khác nhau. Những cành cây hướng lên trời là biểu tượng của một sự sống mới của người trên thiên đàng.

Số mười hai: Chúa gặp các môn đệ ở Emmaus

Một điểm quan trọng cần lưu ý về sự Phục sinh của Chúa, đó là: ngài sống lại không phải để kéo dài cuộc sống 33 năm trên trần thế, mà là bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Khi xuất hiện với các môn đệ, tuy vẫn mang hình hài con người, song Chúa không còn bị giới hạn bởi những quy tắc vật lý thông thường: ngài không thể bị giam cầm, và có thể chợt đến chợt đi, hoặc hé lộ danh tính cho những người ngài chọn.

Một đặc điểm nữa: Chúa không hé lộ sự Phục sinh cho tất cả mọi người, chỉ riêng những tông đồ ngài chọn từ trước, những người đã cùng ăn cùng uống với ngài, để trấn an họ. Thomas Aquinas cho rằng những tông đồ được nhìn thấy Chúa là vì họ có con mắt thứ ba, Oculata fide, hay là “con mắt đức tin.” Để nhìn thấy sự Phục sinh của Chúa, cần có đức tin.

Trong câu chuyện về bữa tối ở Emmaus, hai tông đồ (thường được cho là Luke và Cleopas) tới thành Emmaus, bàn tán về nỗi thất vọng khi đấng Cứu thế bị loài người hãm hại. Song đúng lúc đó Chúa đã hiện thân trước mặt họ, và rồi biến mất. Sự kiện này chỉ có hai tông đồ trên chứng kiến, và là một trong chuỗi những lần hiện thân của Chúa sau Mary Magdalene. Bốn mươi ngày sau Phục sinh, Chúa lên trời.

“Supper at Emmaus”, của Caravaggio, 1601

Trong bức tranh, người đàn ông phía sau Chúa hoàn toàn không biết điều gì đang diễn ra. Hình dáng của Chúa khác, không còn bộ râu, đúng như Phúc âm của Mark ghi chép rằng ngài đã hiện ra với một hình dạng mới. Bức tranh diễn tả một giây phút kỳ diệu, vừa thần thánh vừa con người. Đĩa thức ăn ở mép bàn như sắp rơi là ẩn dụ cho sự chênh vênh của thế giới sau khi Jesus mất đi – nỗi sợ của những tông đồ. Nhưng ngài đã phục sinh và hiển linh để hồi lại đức tin cho họ.

Vậy là, tóm lại, người theo đạo cho rằng, trên thập giá, Chúa đã cứu rỗi loài người. Và qua việc Phục sinh, Chúa đã thống trị được cái chết. Nhờ có sự phục sinh của Chúa, con người không còn bị khép vào chu kì sinh-lão-bệnh-tử, mà có thể trở thành sinh-lão-tử-phục sinh. Nếu nấm mồ của Chúa không phải điểm đến cuối cùng của Chúa, thì con người cũng có thể được cứu rỗi và có một cuộc đời mới trên… Thiên đàng. Chết không phải là Hết, sự Phục sinh của Chúa đã thiết lập và khẳng định niềm tin ấy.

Ý kiến - Thảo luận

19:22 Sunday,12.10.2014 Đăng bởi:  AfoRhapsody
Thật không biết nói gì ngoài lời cảm ơn Anh Nguyễn và Soi!!!
...xem tiếp
19:22 Sunday,12.10.2014 Đăng bởi:  AfoRhapsody
Thật không biết nói gì ngoài lời cảm ơn Anh Nguyễn và Soi!!! 
13:42 Thursday,24.4.2014 Đăng bởi:  Hưng Mạc
Mình từng theo học các khóa Art history khi du học ở Mỹ. Đọc các bài viết của Anh Nguyễn thực sự thấy rất bổ ích, bài bản và liên hệ với những điều mình đã học.

...xem tiếp
13:42 Thursday,24.4.2014 Đăng bởi:  Hưng Mạc
Mình từng theo học các khóa Art history khi du học ở Mỹ. Đọc các bài viết của Anh Nguyễn thực sự thấy rất bổ ích, bài bản và liên hệ với những điều mình đã học.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả