Nhiếp ảnh

Miyako Ishiuchi: Chụp những thứ người khác có thể không thấy đẹp. Nhưng thế nào là “đẹp”? 16. 04. 14 - 6:42 am

Kay Itoi, Hoàng Lan lược dịch

Sau khi nghe tin nhiếp ảnh gia Nhật Miyako Ishiuchi thắng giải Hasselblad 2014,  mạn phép dịch một bài phỏng vấn nữ nghệ sĩ này để mọi người biết rõ hơn về bà cũng như các tác phẩm của bà.

Tại Biennale Venice 2005, nghiếp ảnh gia Miyako Ishiuchi (sinh năm 1947) đại diện cho Nhật Bản với loạt ảnh “Mẹ” (Mother). Series này chủ yếu gồm nhiều ảnh trắng đen, chụp những món đồ đạc mà người mẹ quá cố của Miyako từng sử dụng – như nội y, giày, mỹ phẩm – bộ ảnh trờ thành một trong những điểm nổi bật của lần biennale lần đó.

Bà Miyako đang suy nghĩ về cách sắp xếp ảnh của mình cho triển lãm

 

“Mẹ, số 8”, Miyako Ishiuchi

Miyako bắt đầu chụp bộ ảnh này khi mẹ bà – người luôn có nhiều xích mích căng thẳng với chính con gái mình – qua đời ở tuổi 84 vào năm 2000. Chụp ảnh là cách giúp nghệ sĩ đương đầu với cái chết đó. Bà nói: “Tôi có mơ cũng chưa bao giờ nghĩ rằng Nhật sẽ đem series này đi triển lãm tại Venice”.

Bà từng nói rằng cảm xúc về mẹ cũng như những bức ảnh chụp đồ dùng của mẹ đã thay đổi theo năm tháng…

Tôi bắt đầu loạt ảnh này sau khi mẹ mất, bà để lại cho tôi những vật dụng cũ. Tôi kéo một ngăn tủ ra xem thì thấy nội y của bà xếp đầy trong đó. Chúng trông như những mảnh da của bà vậy, nên tôi đâm sợ.  Tôi không thể sử dụng hay mặc chúng, hoặc đem cho ai đó, nhưng tôi cũng không thể quẳng chúng đi như rác rưởi. Tôi chẳng biết phải làm thế nào. Người từng dùng những món ấy giờ đã mất, song bà để lại quá nhiều thứ thân thuộc. Tôi buồn. Khi bắt đầu chụp đồ dùng của mẹ, tôi nghĩ rằng mình đang ghi lại cảm giác mất mát đó. Đấy là sáu năm về trước rồi. Và kể từ lúc series này đi triển lãm ở Venice, cảm giác của tôi dần khác đi.

“Mẹ, số 24”

 

“Mẹ, số 35”

Tại sao lại khác?

Tôi đến Venice lần đầu vào tháng Giêng và tháng Sáu năm 2005 để xem địa điểm triển lãm, sắp đặt gian triển lãm, và dự lễ khai mạc. Sau đó tôi trở về Nhật một mình vào tháng chín. Đó là lúc tôi nghĩ ảnh của mình đã tự trở thành tác phẩm – chúng không chỉ còn là “tư trang của mẹ tôi” nữa. Chúng như thể đã thấm đẫm không khí, lịch sử, lẫn cảm xúc của thành phố Venice. Dĩ nhiên, ảnh đâu thể thay đổi – chính tôi là người đã đổi thay. Có lẽ, đấy là lần đầu tiên tôi có thể giữ khoảng cách với đồ dùng của mẹ.

Vì sao người xem lại đón nhận triển lãm này nồng nhiệt đến thế ở Venice?

Bởi vì, giờ đây tôi mới nhận ra rằng: mối quan hệ giữa mẹ và con gái không dễ dàng gì, dù bạn ở bất cứ nới nào trên thế giới. Đây là vấn đề của toàn nhân loại. Tôi không thể nói chuyện mà không cãi nhau với mẹ khi bà còn sống. Từ khi mẹ mất, tôi lại trò chuyện được với bà thông qua những bức ảnh này. Ban đầu, tôi nghĩ xích mích mẹ/con thật khuôn sáo tầm thường, và chẳng thích nhắc đến điều đó lắm. Nhưng nhiều người đã đọc qua triển lãm của tôi và kéo tới xem. Họ ngắm ảnh hết một lúc lâu, rồi họ muốn trò chuyện với tôi – đôi lúc họ còn vừa nói vừa khóc.

“Mẹ, số 52”

 

“Mẹ, số 54”

Series tiếp theo của bà sẽ có chủ đề gì?

Tôi đang chụp những người phụ nữ mang sẹo trên trên cơ thể, series sẽ có tên “Ngây thơ” (Innocent).  Chủ đề này rất nặng nề. Hầu hết những người này từng bị bỏng nghiêm trọng hoặc trải qua nhiều đợt phẫu thuật lớn thời thơ ấu. Họ thực sự chẳng nhớ lắm họ có sẹo như thế nào, thế nhưng các vết sẹo đó chế ngự cuộc đời họ, tước đi sự tự do của họ. Một vài người quy lỗi cho mẹ họ, và điều đó đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai mẹ con.

Một tác phẩm của bộ ảnh “Ngây thơ”

Vậy loạt ảnh mới này cũng có liên quan đến vấn đề mẹ – con gái?

Cũng có thế có liên quan. Tôi thường chụp những điều ẩn giấu – như nội y của một phụ nữ lớn tuổi, chiếc giày mòn cũ, sẹo trên cơ thể phụ nữ. Khi tôi chụp ảnh, những thứ như nội y và sẹo thực sự không phải là cái tôi muốn lưu giữ lại. Những gì hiện diện ngoài mặt không quan trọng.  Tôi muốn người xem nghĩ: Tại sao tôi lại chụp những thứ không đẹp, không dễ nhìn này? Tôi đang cố truyền tải điều gì? Tôi muốn họ nhìn thấu các vết sẹo và các bộ nội y để thấy những điều ẩn bên trong.
 

“Ngây thớ, số 47”

 

“Ngây thơ, số 34”

Thế động lực gì đã thúc đẩy bà chụp cái không đẹp?

Tôi luôn tò mò về những gì người đời cho là đẹp và xấu. Tôi chẳng bao giờ hiểu được các khái niệm thông thường về “vẻ đẹp” hay “vẻ xinh xắn”. Tôi có thể nói một điều – ai cũng có sẹo. Một số sẹo bạn nhìn thấy được và số khác thì không.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả