Điện ảnh

Chúng ta đang là khách xem sát nhân trình diễn 17. 02. 14 - 6:36 am

Mai Chi tổng hợp

“Người ta trừng phạt những kẻ sát nhân. Trừ khi chúng giết vô số người và đi kèm là trống dong cờ mở.” (Voltaire)

Poster của phim

Trong phần đầu của bộ phim “The act of killing” (tạm dịch là “Sát nhân trình diễn”) của đạo diễn 40 tuổi người Mỹ, Joshua Oppenheimer, người xem thấy một ông già Indonesia khoảng trên 70 tuổi, cao và gầy nhẳng, đang nhảy Cha Cha Cha trên một sân thượng nhỏ. Trong chiếc sơ mi Hawai sặc sỡ và quần trắng rộng thoải mái, một tay đặt hờ trước bụng, tay kia ôm eo người bạn nhảy vô hình. Ông già, mà ta được giới thiệu tên là Anwar Congo, chăm chú tập trung vào các bước nhảy của mình, bước lên, bước xuống, xoay vòng, miệng lẩm nhẩm đánh nhịp. Rõ ràng là ông già đang rất vui và thoải mái.   

Anwar (đội mũ đeo kính) trong phim

Trước đó một vài phút, ông già trình diễn trước ống kính camera một cách giết người rất hiệu nghiệm, chết nhanh mà không có tí máu nào. Một người đóng làm nạn nhân ngồi bệt cạnh tường, hai tay bị trói ngoặt ra sau lưng. Một dây thép loại nhỏ được gắn một đầu vào tường, rồi vòng một vòng qua cổ nạn nhân, đầu kia được buộc vào một thanh gỗ ngắn nằm gọn trong hai bàn tay ông già. Ông Anwar xuống tấn, rồi làm điệu bộ kéo thanh gỗ như đang tham gia kéo co. Dây thép căng ra thít vào cổ nạn nhân. Một cái chết sạch sẽ và không tốn sức.

Anwar “diễn” lại hành động giết người khi xưa của mình

Cách đây gần 50 năm, vào tháng 9 năm 1965, Suharto, lúc bấy giờ là trung tướng, chỉ huy quân đội Indonesia đánh bại một cuộc đảo chính. Cho tới nay, các nhà sử học độc lập vẫn không xác minh được lực lượng nào đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành này, nhưng vào thời điểm đó, quân đội cáo buộc Đảng Cộng sản là người chủ mưu, và đây vẫn là phiên bản chính thống mà hiện nay các học sinh Indonesia được học trong nhà trường. Một cuộc thanh trừng người Cộng sản được phát động. Giết chóc bắt đầu xảy ra từ tháng 10 tại Jakarta, và trong những tháng tiếp theo, làn sóng bắt bớ, tra tấn và tàn sát các đảng viên Đảng Cộng sản, những người thân cận và ủng hộ, những thành viên gia đình họ, và cả cộng đồng buôn bán Hoa kiều, lan dần khắp cả nước. Quân đội hoặc là trực tiếp đứng ra xử tử, hoặc tổ chức, khuyến khích và huấn luyện các băng đảng đạo Hồi và các tổ chức dân quân (para-military) làm công việc này. Cho tới tháng 3 năm 1966, ước chừng năm trăm nghìn người đã bị giết. Trong một báo cáo, CIA đánh giá là “chiến dịch thảm sát người Cộng sản ở Indonesia được xếp vào một trong những vụ giết người hàng loạt khủng khiếp nhất của thế kỷ 20.” Trên thực tế, đảng Cộng sản Indonesia bị xóa sổ hoàn toàn. Sau khi thanh toán xong thế lực chính trị đối lập này, tháng 3 năm 1967, Suharto trở thành tổng thống Indonesia và nắm giữ chức vụ này trong 31 năm tiếp theo.

Diễn lại cảnh tra tấn

Một trong những tổ chức dân quân được coi là cánh tay nối dài của quân đội để làm việc giết người tên là Pemuda Pancasila; các thành viên của nó kiêu hãnh tự gọi mình là gangster. Anwar Congo, vốn xuất thân là một lưu manh nhỏ phe vé xine, trở thành một chỉ huy khét tiếng của Pemuda Pancasila ở vùng Bắc Sumatra. Anwar đã tự tay giết hơn 1000 người, phần lớn bằng phương pháp thắt cổ với dây thép mà ông ta vừa tự hào diễn lại ở trên, đúng ở hiện trường cũ.

Trong xã hội Indonesia ngày nay, những kẻ giết người của những năm đó không những vẫn tự do đi lại mà còn được trọng vọng, kính nể, và có quan hệ bá vai bá cổ với nhiều nhà chính trị đương chức. Khi đạo diễn Oppenheimer tới Indonesia vào năm 2001, anh nhanh chóng nhận thấy hầu như cộng đồng dân cư nào cũng có những kẻ giết người này, và họ rất khoe khoang về quá khứ của mình, sẵn lòng kể lại tỉ mỉ họ đã hành quyết các nạn nhân ở đâu, như thế nào, bao nhiêu người. Oppenheimer bắt đầu phỏng vấn hết sát nhân này tới sát nhân khác, và được họ dần dần giới thiệu lên những nấc cao hơn trong hệ thống. Anwar là người thứ 41 mà anh gặp, và anh để câu chuyện xoay xung quanh nhân vật này, vì theo anh, ở Anwar, nỗi đau và sự ám ảnh trồi lên bề mặt rõ nhất.  

Anwar và các “chiến hữu” đóng lại cảnh giết dân, đốt làng phá xóm

Một dự án photo voice kinh điển là trao camera cho những người yếu thế, những nạn nhân, để họ thể hiện bản thân mình. “The act of killing” là một dự án photo voice ngược. Oppenheimer trao máy quay cho những sát nhân vẫn đang trên đỉnh cao của quyền lực, để họ dựng một bộ phim thể hiện họ, theo ý tưởng của họ, ở thể loại họ muốn, diễn lại những hành động giết người trong quá khứ của họ. Anwar và nhóm bạn thân của ông ta hào hứng nhận lời. Vốn là phe vé và xem rất nhiều phim Mỹ khi còn trẻ, họ đưa tất cả đam mê phim ảnh của mình vào dự án. Cao bồi có, gangster có, hài kịch có, nhạc kịch có. Máy quay của Oppenheimer quan sát quá trình nhóm của Anwar thực hiện bộ phim trong phim của họ, tìm diễn viên, thử trang phục (họ rất khó tính với các mũ cao bồi), dành hàng giờ hoá trang mặt thành be bét máu để đóng một cảnh tra tấn, cùng các vai quần chúng diễn đi diễn lại cảnh đốt nhà những người Cộng sản và hãm hiếp đàn bà cho tới khi “đạt”. Không phán xét hay lên án, “The act of killing” trở thành một sân khấu để Anwar và bạn bè ông ta tự lột trần mình từ trong ra ngoài, và tìm cách sống với quá khứ và trốn những ác mộng đêm đêm của mình bằng cách ngợi ca và đặt nó trong vòng hào quang như một sự lý giải. Rời khỏi rạp, người xem choáng váng, sợ hãi, buồn nôn và tiếp tục bị ám ảnh. “The act of killing”, theo đánh giá của đạo diễn Werner Herzog, là một hiện tượng đặc biệt quan trọng, chỉ mấy thập kỷ mới xuất hiện một lần.

Hoá trang cho búp bê đóng vai nạn nhân trong phim

Từ 2013, “The act of killing” đã nhận được 32 giải thưởng từ các liên hoan phim khác nhau, gồm cả một đề cử Oscar, nhưng người đồng đạo diễn, cùng 60 người Indonesia khác trong đoàn, những người đã dành 8 năm của cuộc đời họ để cùng Oppenheimer thực hiện bộ phim, vẫn phải giữ kín danh tính của mình. Họ phải đối mặt với những nguy hiểm rất trực tiếp. Phim không được lưu hành ở Indonesia, và một số cá nhân tổ chức những buổi chiếu phim nội bộ đã bị đe doạ giết, một nhà báo khác bị hành hung vì đã viết bài ca ngợi phim. Một tướng trong quân đội lớn tiếng tuyên bố đã tới lúc thanh trừng “tụi tân Cộng sản” đang quảng bá cho bộ phim này. Oppenheimer biết rằng anh không bao giờ có thể trở lại Indonesia trong yên ổn được nữa.

Đạo diễn Joshua thảo luận với khán giả tại liên hoan phim Toronto

Anwar và bạn bè ông ta là những người được kính nể và nổi tiếng ở thành phố của mình, thành phố to thứ ba của Indonesia với hơn bốn triệu dân. Trong một đoạn làm ớn lạnh xương sống, “The act of killing” ghi lại cảnh nhóm của Anwar xuất hiện trong một talk show trên đài truyền hình trung ương Televisi Republik Indonesia năm 2007. Cô MC trẻ trung hào hứng giới thiệu về thành tích tiêu diệt Cộng sản của Anwar. Đạo cụ trang trí là ba cái đầu người bằng cao su, da nâu, tóc xoăn đen, được đặt trên kệ, quay mặt về phía khán giả, để minh họa cho những chiến tích của các khách mời. “Liệu các ông có sợ con cháu của họ trả thù không?” cô MC hỏi vào cuối buổi, giọng phấn khích. “Không đời nào,” tay bạn thân nhất của Anwar kêu lên trong khi ông này chưa kịp trả lời, “chúng mà ngóc đầu lên là chúng tôi diệt hết ngay!” Khán giả trào lên vỗ tay rào rào.  

Một lính Pancasila diễn lại cảnh ngồi chơi sau khi đốt làng

Anwar rất yêu hai đứa cháu trai của mình. Trong một cảnh ở một trang trại, Anwar cùng hai đứa trẻ chơi hàng giờ với mấy con vịt con. “Cháu xin lỗi vịt đi,” ông ta nói rất nhẹ nhàng, “cháu nói đi, “Vịt ơi, tớ xin lỗi, tớ vô ý ném dép làm gẫy chân cậu.” Những tội ác của những người như Anwar vượt quá khả năng hình dung của chúng ta, nhưng bộ phim chỉ ra rằng họ vẫn là những con người. Cũng giống như những kẻ giết người ở thời kỳ Pol Pot mười năm sau đó, những người như Anwar không phải là những quái vật, dù chúng ta có mong muốn như vậy bao nhiêu đi nữa. Trong quá trình làm phim, một nguyên tắc của Oppenheimer là anh luôn luôn nhìn Anwar như một con người, không phải như ma quỷ hay một kẻ mất trí. “Một cách nào đấy chúng ta phải chấp nhận là bên trong ranh giới của nhân tính, những tội ác tầm cỡ như vậy vẫn có thể xẩy ra.” Anh nhận xét. “Những con người này không kỳ dị, họ không xa lạ với tính người. Đấy là một điều rất khó nuốt.”

Anwar với hai cháu trai, một cảnh của phim

Với nguồn lực hạn chế của mình, nhóm làm phim của anh cố gắng thể hiện tốt nhất những mong muốn và tưởng tượng của Anwar về bộ phim của ông ta. Trong một cảnh của “nhạc kịch” do Anwar nghĩ ra, một nông dân đóng giả một người Cộng sản cất tiếng hát “Cám ơn ông Anwar, ông đã gửi tôi lên thiên đường, nơi tôi có hoà bình vĩnh cửu”, rồi trìu mến trao vòng thép quấn quanh cổ mình cho Anwar, người mặc đồ xám thụng như một cha xứ. Hai người nắm tay nhau, cùng ngước mắt nhìn lên cao, thanh thản. Âm nhạc du dương, xung quanh họ là cao nguyên trù phú với những vũ nữ hông nở uyển chuyển múa, đằng sau họ là thác nước tung bọt trắng xoá. Những cảnh thể hiện những tưởng tượng của Anwar là những cảnh quan trọng nhất, và càng gần về cuối, bộ phim càng dịch chuyển từ một phim tài liệu sang những hư cấu chuyên chở những mộng mị đẹp đẽ và quái đản của Anwar, những tưởng tượng mà Anwar và cả xã hội quanh ông ta cần để có thể tiếp tục với cuộc sống của mình.

Một cảnh trong nhạc kịch của Anwar

Nhưng thông điệp cuối cùng của phim lại không hướng tới ai khác ngoài những người làm phim và những người xem phim, và nó là một thông điệp không dễ chịu. “Chúng ta biết rằng cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào sự đau khổ của người khác,” Oppenheimer tự vấn, nhắc tới việc không những các chính quyền phương Tây hoàn toàn biết những gì đã và đang xảy ra ở Indonesia (thậm chí Mỹ đã ngấm ngầm ủng hộ và cung cấp danh sách của hàng nghìn người Cộng sản cho quân đội Indonesia), mà còn tới việc những chiếc áo chúng ta mặc, đôi giầy chúng ta đi, cũng tới từ Indonesia và những quốc gia tương tự, những quốc gia được xây dựng trên sự đàn áp, sợ hãi và những nấm mồ tập thể. “Cuộc sống hàng ngày của chúng ta phụ thuộc vào những người đàn ông như Anwar và bạn bè của ông ta, vào những người như họ ở khắp nơi trên thế giới. Tất cả chúng ta, ở một khía cạnh nào đó, đang là khách trong bữa tiệc thịt người của Anwar và bạn bè. Chúng ta có thể không ở sát ngay bên cạnh cuộc chém giết, nhưng chúng ta ở cùng một bàn.” Chúng ta vẫn đang tiếp tục xem những sát nhân trình diễn.    

 

Ý kiến - Thảo luận

19:28 Monday,17.2.2014 Đăng bởi:  mở ngoặc

 Dây thép siết cổ nạn nhân mà sạch sẽ  ư ? thường thì cứa kiểu vậy là máu sẽ chảy chứ nhỉ ??? Đọc bài này chợt nghĩ tới Mạnh Tử có thuyết “nhân chi sơ, tính bản thiện”, nhưng có một vị cùng thời với ông (lâu rồi mình quên tên, hình như là Tuân Tử) lại ra thuyết “nhân chi sơ, tính bổn ác” ... Mình thì nghĩ cả hai ông đều đúng, tức con người sinh r
...xem tiếp

19:28 Monday,17.2.2014 Đăng bởi:  mở ngoặc

 Dây thép siết cổ nạn nhân mà sạch sẽ  ư ? thường thì cứa kiểu vậy là máu sẽ chảy chứ nhỉ ??? Đọc bài này chợt nghĩ tới Mạnh Tử có thuyết “nhân chi sơ, tính bản thiện”, nhưng có một vị cùng thời với ông (lâu rồi mình quên tên, hình như là Tuân Tử) lại ra thuyết “nhân chi sơ, tính bổn ác” ... Mình thì nghĩ cả hai ông đều đúng, tức con người sinh ra thiện ác đều có, nhưng môi trường sống sẽ quyết định nuôi hạt mầm nào phát triển lên...
Mình có xem một phim (lại quên mất tên rồi, hic) thì có một cảnh tại trường học cảnh sát, và giáo viên nói câu mở đầu  với các sinh viên “tội phạm cũng có thể nằm trong chính bản thân mỗi chúng ta
Mình quan sát thấy có một số người tính tình rất hiền lành, mấy chục năm chả bao giờ cáu kỉnh, cãi cọ với ai, luôn nhường mọi người, lúc nào cũng vui vẻ, nhưng sở thích riêng lại rất thích xem các phim hình sự, các cảnh giết người máu me...
Chỉ xem thôi,, còn thì vẫn rất hiền..hic,  làm mình cứ nghĩ mãi... Có người  bảo con người sợ cái ác nhưng lại thích xem cái ác diễn, miễn là nó không sảy ra với nhà mình !!! Trong con người có phần tăm tối nào đấy mà có lẽ phải nhờ Freud giải thích giúp ? Nghe nói dân tình Mỹ đang phản đối việc cho người vào xem thi hành án...

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả