Chiêm tinh

Vận Xa và Công Lý: một vui, một lo 20. 02. 14 - 8:03 am

Kay Nguyễn

(Tiếp theo bài 4bài 5)

X: Bánh xe Vận mệnh (The Wheel of Fortune – Vận Xa)

Còn lá nào may mắn hơn lá Vận Xa? Rút bài mà thấy lá này đề nghị đi mua vé số ngay tức khắc!

Lá Vận Xa thể hiện một bánh xe định mệnh, luôn xoay vòng để “cải số” cho những linh hồn lầm lạc của chúng ta. Xung quanh bánh xe có ba hình ảnh trong hệ thống thần thoại Ai Cập:

Lá Vận Xa trong bộ bài chuẩn Rider Waite

– Nhân Sư chính là thần Horus, con trai của Isis (vị thần của các bà mẹ) và Osiris (vị thần của sự sống), tượng trưng cho sự hồi sinh từ cái chết.

– Con rắn chính là thần Set, thần bóng đêm, kẻ gian tà, kẻ đã giết Osiris.

– Vị thần mình người đầu chó hoang là Anubis, cũng là một trong những người con của Set, nhưng lại là người dẫn đường cho các linh hồn đi đầu thai.

Ba hình ảnh này xoay vần trên bánh xe có chữ Taro (tarot) tượng trưng cho sự tuần hoàn của trời đất, vũ trụ, tự sinh tự diệt rồi lại tái sinh.

.

Ở bốn góc của lá bài, từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ, chúng ta lại có 4 hình ảnh khác: thiên thần, chim ưng, sư tử và con bò. Nếu theo Thiên Chúa giáo thì đó chính là bốn vị thánh tông đồ: Matthew, John, Mark và Luke. Nếu theo cung hoàng đạo, đó chính là 4 cung tĩnh, tượng trưng cho 4 mùa, 4 nguyên tố:

– con bò: cung Kim Ngưu, mùa xuân, nguyên tố đất

– sư tử: cung Sư Tử, mùa hạ, nguyên tố lửa, chim ưng

– chim ưng: cung Bọ Cạp, nguyên tố nước, mùa thu,

– thiên thần: cung Bảo Bình, nguyên tố khí, mùa đông

.

Vận Xa không chỉ cung hoàng đạo, mà chỉ hành tinh Sao Mộc, hoặc thời gian là ngày Thứ Năm trong tuần. Từ khóa của Vận Xa là: Vận mệnh. Điểm chuyển vận. Sự vận động. Viễn tượng cá nhân.

Lá này rất “hên”, nếu đứng ngay kế bên nó bạn không bốc phải những lá bài thuộc bộ (nguyên tố) khí, thì cứ chắc mẩm là chuyện gì cũng hanh thông sáng sủa hết nhé!

Một lá Vận Xa do fan tarot vẽ, không thuộc bộ bài nào cụ thể. Đây là lá bài gây nhiều cảm hứng nhất bộ bài. Chính vì sự may mắn trong ý nghĩa lá bài, nhiều người chọn làm hình xăm trên người.

XI: Justice (Công Lý)

Truyền thuyết Hi Lạp kể về 12 vị thần “Titan” đời đầu thống lĩnh thần thoại Hi Lạp, con của đất mẹ Gaia và cha trời Uranus, thống trị đỉnh Pantheon, và sau này bị lật đổ bởi các vị thần Olympia. Một trong số 12 vị thần đó chính là nữ thần Themis, hay tên Latin chính là Justicia, Thần Công Lý, với hình ảnh vẫn còn thấy ở các công đường, tòa án hiện đại trong hình ảnh một người phụ nữ cầm cán cân công lý, mắt bị bịt để thể hiện sự công tâm.

Nhưng ở Tarot thì mắt không bịt, chỉ nhắm (hờ) thôi nhé

Lá Công Lý là lá số 11, cũng khá trùng hợp, là lá đứng giữa 22 lá trong bộ Đại Bí Mật, rất “cân bằng”.

Nếu như Vận Xa chính là viễn ảnh thăng trầm của một đời người, thì Công Lý thể hiện sự thấu hiểu viễn tượng đó. Biết được đâu là thừa, đâu là thiếu, thế nào là đủ, có lẽ đã quán xuyến được lẽ “tri thiên mệnh” của Khổng Tử.

Một cách hiểu khác của Công Lý chính là “nghiệp” trong đạo Phật, là kết quả của những gì ta đã “gieo” ở kiếp trước, hoặc ở quãng thời gian “tuổi trẻ nông nổi”. Nên có lẽ cũng chả vui gì khi ta bốc được lá Công Lý trong lúc tìm đến Tarot như một cách giải quyết các câu hỏi còn đượm tính tham, sân, si của con người.

.

 Tính khắc nghiệt của lá bài này cho thấy một cách tiếp cận vấn đề khá khổ hạnh: nếu đã phụ tình người ta hay ăn trên ngồi trước thiên hạ, thì đây là lúc lùi về nếm chút thiệt thòi, bị tình phụ, bị từ chối, bị đẩy xuống kèo dưới, lui ra cho cán cân công lý thực thi nhiệm vụ của mình.
 

Lá Công Lý trong bộ bài chuẩn Rider – Waite

Lá Công Lý tượng trưng cho cung Thiên Bình (22/9 – 23/10), với ý nghĩa chính như sau: Sự công bằng. Trách nhiệm. Quyết định. Nhân quả. Chỉ khi tiếp cận vấn đề bằng cái công tâm và sự đạo đức của mình (khi bốc phải các lá có nguyên tố lửa xung quanh lá này), thì mới mong cán cân công lý ngả về phía mình được. Còn nếu cứ tham lợi (bốc nhằm các lá nguyên tố đất), hay quá cảm tính (lá nước) thì chúc mừng bạn: bể khổ còn dài, “hồi đầu” thì may ra lát hồi mới… “thị ngạn” được!*

*

*SOI: Ở đây Kay đùa. Trong Phật giáo có câu “Khổ hải vô biên/Hồi đầu thị ngạn”, tức “Biển khổ không bờ bến/Quay đầu là thấy bờ””. Soi xin được chú thích vì lúc biên tập Soi đọc cũng không hiểu, sợ có nhiều bạn cũng như Soi 🙂

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi và không bao giờ đến

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả