Soi học

Hercules (phần 2): niềm vinh quang của Hera bóp chết con sư tử 08. 12. 13 - 7:31 am

Pha Lê

Sau khi nữ thần Hera nguôi ngoai cơn giận vì “lỡ” cho Hercules bú sữa; vị thần sức mạnh trải qua một tuổi thơ êm ấm. Lúc lớn, Hercules (nên nhớ lúc này vẫn còn giữ tên Alcides) trở nên vạm vỡ, cường tráng; anh chàng thuộc týp người khoái đi săn rồi lột da con thú mình giết được làm áo mặc.

Đây là bức tượng “Hercules uống rượu” được tìm thấy ở Pompeii, có niên đại thế kỷ thứ 2 Công nguyên. Tác phẩm bằng đồng này vẫn còn khá nguyên vẹn, chỉ bị mất cái ly.

Do Hercules là người xứ Thebes, và lại khỏe nhất thế giới, nên vị vua Thebes tên Creon “bắt rể” ngay tắp lự bằng cách gả con gái Megara cho anh. Công chúa Megara và Hercules có với nhau rất nhiều con (bản thì nói 3 đứa, bản khác nói… 8 đứa). Mọi thứ đang rất suôn sẻ, vậy mà bỗng dưng bà Hera chán đời ngó xuống hạ thế, thấy Hercules đang hạnh phúc, vợ con sum vầy, bệnh ghen của nữ hoàng đỉnh Olympia tái phát.

Bà thần phù phép ếm cho Hercules bị điên, nam dũng sĩ la ó om sòm rồi dùng lửa thiêu chết vợ lẫn đám con mình.

Chiếc bình vẽ cảnh “Cơn điên của Hercules”, vị thần sức mạnh đang ôm con quăng vô mớ đồ đạc/vật dùng gia đình nằm ngổn ngang, hòng thiêu chết con cái cùng với căn nhà. Cô vợ Megara thì hoảng hốt chạy ra khỏi cửa (nhưng sau đó cũng bị túm lại đem thiêu như thường). Chiếc bình có niên đại thế kỷ thứ 4 Công nguyên, hiện đang nằm ở Bảo tàng Khảo cổ của Tây Ban Nha.

 

“Hercules giết con bằng cung”, Antonio Canova, 1799. Thay vì đốt, họa sĩ vẽ cảnh Hercules dùng cung giết gia đình. Megara đang giơ tay van xin Hercules, còn người đang ngăn anh lại chắc là bố vợ Creon (hoặc cậu cháu Iolaus vốn rất thân thiết với chú, nhưng nếu là Iolaus thì họa sĩ phải vẽ trẻ hơn??). Ít ai lôi cảnh này ra làm đề tài vì nó vừa thảm vừa “dìm hàng” Hercules anh dũng.

Lúc Hercules tỉnh dậy và biết rằng mình đã sát hại gia đình trong cơn điên, anh buồn bã bỏ xứ Thebes (không bỏ chắc vua Creon cũng đá đít), đến thánh địa Delphi để nhờ một vị tiên tri ở đây tẩy trần cho sạch tội. Nhưng vị tiên tri nói rằng muốn hết tội thì Hercules phải đến xứ Tiryns, phục vụ một ông vua tên Eurystheus, rồi chiến thắng 10 khổ nạn do ông này đề xuất (gì? 12 khổ nạn chứ? Từ từ sẽ hiểu…), và phải đổi tên từ Alcides thành Hercules. Hercules viết theo tiếng Hy Lạp là Heracles hoặc Herakles, có nghĩa: vinh quang của Hera.

Thế là vị anh hùng khăn gói tới Tiryns, nhưng lúc anh vừa tới nơi, chưa kịp ngủ nghỉ là ông vua Eurystheus đã bắt anh phải thực hiện khổ nạn đầu tiên: giết con sư tử Nemean.

Hình vẽ Hercules và con sư tử Nemean trên một chiếc vại cổ, khoảng 500 năm trước Công nguyên

Giết sưu tử tuy thấy ghê nhưng bõ bèn gì với người hùng Hercules nhỉ? Không đâu, con sư tử Nemean có bộ da đặc biệt cứng, dao kiếm chém không thủng. Dĩ nhiên, Hercules nhà ta chẳng biết điều đấy. Khi lần đến được hang con sư tử, Hercules  liên tiếp lấy cung tên bắn nó, để rồi chứng kiến cảnh tên bị dội bật trở lại.

Ghét, vị thần sức mạnh quẳng xừ cung tên, dùng chày đập cho con sư tử lảo đảo, rồi lấy tay siết cổ nó. Con sư tử Nemean tuy có bộ da cứng hơn thép nhưng vẫn là loài cần hít oxy. Bị đôi tay khỏe khoắn của Hercules siết chặt, con sư tử ngạt thở, chết.

“Hercules giết sư rử Nemean”, Francisco de Zurbaran, 1634. Người hùng Hercules như đang chơi đấu vật với con sư tử, siết cổ phải siết từ đằng sau chứ nhỉ? Siết kiểu này hơi nguy hiểm, nó mà cào trúng thì có mà lòi ruột.

 

“Hercules và sư tử Nemean”, Rubens, 1615. Dường như các họa sĩ thích vẽ cảnh Hercules không mặc quần áo lúc thực hiện nhiệm vụ, đúng theo tích thì chắc anh chàng phải có đồ bận, chứ lỡ con sư tử cạp trúng chỗ hiểm là eo ôi. Rubens cũng cho ta thấy rằng: lúc Hercules và sư tử đánh nhau, con beo chết trước.

 

“Hercules và sư tử Nemean”, Jacopo Torni, không rõ năm. Sư tử gì mà bé bằng chú ngựa con, tư thế bóp cổ cũng kỳ cục, Hercules trông như đang lấy tay banh hàm con sư tử vậy.

 

Bức khảm có cảnh Hercules bóp cổ sư tử Nemean, năm 250 Công Nguyên, tuy không có cảnh núi non như tranh nhưng bức khảm cũng chi tiết, đằng xa bên phải chính là cái chày Hercules dùng để đập đầu con quái thú.

Hercules gạch khổ nạn đầu tiên khỏi danh sách, nhưng trước khi quay về, Hercules muốn lột da con sư tử. Biết rằng da của Nemean sẽ bảo vệ mình khỏi mọi thứ đao kiếm cung tên, vị thần sức mạnh muốn có nó làm áo mặc. Tuy nhiên, cũng do đao kiếm chẳng đâm nó thủng nổi nên Hercules loay hoay mãi mà không rạch được đường nào để lột (bóp sư tử nghẹt thở được nhưng đâu thể nào “bóp” ra bộ da).

Vị thần thông thái Athena thấy Hercules phát triển tứ chi quá nên động lòng thương, mách mẹo rằng “Dùng chính móng của con sư tử để cắt da nó”. Hercules làm theo, và lột da con sư tử dễ dàng. Từ đó về sau, anh luôn quấn bộ da này trên người.

Thế khổ nạn tiếp theo của vị thần sức mạnh là gì? Chờ kỳ sau nhé!

*
(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

23:14 Friday,16.6.2017 Đăng bởi:  Aquarym
Antonio Canova vẽ cái người đang ngăn Hercules bắn chết Megara là tì nữ hoặc nhũ mẫu (nếu già) của Megara.
...xem tiếp
23:14 Friday,16.6.2017 Đăng bởi:  Aquarym
Antonio Canova vẽ cái người đang ngăn Hercules bắn chết Megara là tì nữ hoặc nhũ mẫu (nếu già) của Megara. 
21:10 Monday,13.7.2015 Đăng bởi:  Linh
Quá hay. Cảm ơn tác giả nhiều lắm
...xem tiếp
21:10 Monday,13.7.2015 Đăng bởi:  Linh
Quá hay. Cảm ơn tác giả nhiều lắm 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả