Điện ảnh

Không thể dùng sự đông/vắng của phòng vé để nói là phim hay/dở 05. 08. 13 - 8:20 pm

Lê Hồng Lâm tổng hợp

duong-dua-nhan-phuc-vinh

 

Những cuộc tranh cãi xung quanh bộ phim Đường đua càng về sau càng trở thành những trò nói-ngược-để-gây-chú-ý, những ngụy biện, bắt lỗi logic ngớ ngẩn, hoặc tệ hơn nữa là những công kích cá nhân, đá xéo vùng miền. Những cái này hoàn toàn không lạ trong văn hóa tranh luận ở Việt Nam. Đường đua không tạo được hiện tượng phòng vé, nhưng lại tạo được hiện tượng về dư luận. Dù sao cũng mừng là có một bộ phim của một đạo diễn trẻ gây được tranh luận trái chiều như thế.

Xem phim với tôi lúc nào cũng đến bằng cảm xúc trước, sau mới tới lý tính. Tức là bộ phim “vào” được mình đã, sau đó mới phân tích xem nó hay dở chỗ nào. Một bộ phim nó không “vào” được mình thì cũng không quan trọng nó hay hay dở nữa.

Nghệ thuật phần lớn là cảm nhận bằng trực giác. Hay dở là chuyện khó nói, với người này là hay, với người kia là dở. Điều này đôi khi còn phụ thuộc vào gu thẩm mỹ, vào trình độ “phim trí” của mỗi người. Trừ những bộ phim giải trí kiểu tấu hài xem để mua vui vài trống canh, tôi nghĩ những bộ phim nghệ thuật, những bộ phim nặng về dấu ấn cá nhân của tác giả, những bộ phim đi theo một thể loại khá đặc trưng, kiểu “genre films”… đòi hỏi phải có một trình độ thưởng thức nhất định. Những bộ phim như thế, cũng giống như những tác phẩm hội họa trừu tượng, những bản nhạc giao hưởng… đòi hỏi bạn phải có một kiến thức nền nhất định. Tất nhiên, như đã nói, với tôi, cái trực cảm trong thưởng thức một bộ phim (hay một tác phẩm nghệ thuật khác) vẫn là cái quan trọng nhất (khi bạn đã có một kiến thức nền nhất định). Vì thế mà tôi không bao giờ áp đặt cảm nhận của mình lên người khác, cũng hiếm khi để người khác áp đặt được cảm nhận lên mình.

Phim của Huy có nhiều thể nghiệm chưa tới, nhiều tình huống chưa hoàn thiện, nhiều chi tiết còn vụng, non tay, nhưng đó hoàn toàn là những cái có thể xử lý được, nếu bạn có kinh nghiệm phim trường, rút được bài học từ phim đầu tay hoặc nếu được hỗ trợ về kỹ thuật tốt hơn. Nhưng quan trọng hơn cả là Huy có một tài năng trong tư duy ngôn ngữ điện ảnh, trong xây dựng nhân vật, trong chỉ đạo diễn xuất… Những phẩm chất này ngay cả với những đạo diễn thành công về thương mại cũng chưa chắc có được. Và vì thế mà tôi đặt cược là bạn ấy còn đi đường dài.

Nếu bạn sống trong môi trường điện ảnh lâu năm, giữa hàng đống những thứ tầm thường, nhạt nhẽo, ẩu tả, thậm chí chưa sạch nước cản, thì một bộ phim như Đường đua hoàn toàn là một phim gọi là tử tế, một làn gió mới (chứ chưa dám nói làn sóng mới – cái này phải chờ phim của Huy gây được hiệu ứng như thế nào cho các bạn đạo diễn cùng thế hệ). Cái tử tế đó xứng đáng được kêu gọi để nhiều người cùng biết, bạn có nghe theo hay không hoàn toàn là tùy bạn. Tôi cũng nghĩ lời kêu gọi đó của nhà sản xuất đến từ sự “chân tình” chứ chẳng phải một chiến lược PR gì cả, cho dù Nguyễn Thanh Sơn là một doanh nhân rất thành công trong lĩnh vực PR.

Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy, 27 tuổi, được phát hiện từ dự án phim ngắn 89.600 km+... của Blue Productions.

Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy, 27 tuổi, được phát hiện từ dự án phim ngắn 89.600 km+… của Blue Productions.


Đường đua
vắng khách. Nhiều người cho rằng khán giả luôn có lý của họ và vội túm lấy cái lý do đó để khẳng định phim dở. Tôi đồng ý là phần lớn phim dở sẽ ế khách, nhưng tôi không đồng ý phim vắng khách là phim dở. Khán giả là một đám đông mà ngay cả những chuyên gia lâu năm trong nghề phân tích thị hiếu hoặc thị trường cũng phải bó tay, chứ đừng nói là một nhà sản xuất “tay mơ” lần đầu tiên bước vào một thị trường phim ảnh như ở Việt Nam. Hãy nhìn vào thị trường phim hè của Hollywood năm nay. Kẻ ngã ngựa đau đớn nhất là 4 cái tên luôn bất khả chiến bại ở phòng vé: Hãng phim Walt Disney, nhà sản xuất Jerry Bruckheimer, đạo diễn Gore Verbinski và siêu sao Johnny Depp. Bộ tứ này từng mang về nhiều tỷ đô khắp toàn cầu nhờ loạt phim Cướp biển vùng Caribbean. Nhưng với The Lone Ranger cũng với một công thức khá tương tự như phim nói trên, họ thất bại thê thảm. Bộ phim 250 triệu đô kinh phí sản xuất và hơn 100 triệu đô cho chiến dịch marketing chỉ thu về 86 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ và khoảng từng ấy ở thị trường thế giới. Walt Disney lỗ sặc máu!

ws_The_Lone_Ranger_Movie_Poster

.

Hãy tiếp tục hai ví dụ khác, đều là những ngôi sao của phòng vé: cha con Will Smith trong After Earth hay bộ đôi Channing Tatum và Jamie Foxx trong bộ phim hành động White House Down – đây cũng là hai kẻ ngã ngựa của mùa hè. Đều là những đề tài ăn khách, có ngôi sao lớn, đều có những chiến dịch quảng bá quy mô toàn cầu, tại sao chúng lại thất bại thê thảm vậy? Phim dở, thực ra là không dở lắm, xem giải trí vẫn ok. Vậy thì tại sao một cái phim siêu dở, hài nhảm như Grown Up 2, bị các nhà phê bình ném đá tơi bời (chỉ được 7% trên Rottentomatoes) lại thành công về phòng vé (kinh phí 80 triệu đô, thu về 116 triệu đô đến thời điểm này và tiếp tục tăng, chưa tính ở thị trường thế giới). Bạn đã “bó tay” về thị hiếu khán giả chưa? Đấy là tôi chỉ đưa ra vài ví dụ về phim bom tấn thôi, thị trường phim nghệ thuật hay phim độc lập thì càng khó phân tích nữa.

grown_ups_two

.

Đạo diễn Pháp nổi tiếng Bertrand Tavernier, người từng đoạt giải ở các LHP lớn nhất thế giới như Cannes, Venice, Berlin lẫn đề cử Oscar nhưng phim của ông thường là ế khách, đã từng nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn tại Hà Nội khi ông đến Việt Nam để giới thiệu một chùm phim của mình: “Có những bộ phim thu tiền tỷ nhưng chỉ đáng để vứt đi và có những bộ phim vắng khách nhưng là những kiệt tác”. Vì thế mà ở những nền điện ảnh phát triển, luôn có những Hiệp hội tài trợ nghệ thuật, những chính sách bảo hộ nghệ thuật để giúp đỡ cho những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật độc lập, không nhắm vào số đông. Bertrand Tavernier năm nay ngoài 70 tuổi, hơn 40 năm làm phim độc lập và vẫn tiếp tục làm phim nhờ những nhà bảo trợ nghệ thuật như thế.

Sau cùng, điều thú vị là trong những cuộc tranh luận ngày càng nảy lửa, tôi không thấy bạn Huy xuất hiện ở đâu cả, để tự hào, để kể khổ hoặc để phản biện, để thanh minh, để bào chữa hay trả lời phỏng vấn trên mặt báo sau những dư luận khá rầm rộ về bộ phim, điều mà thường là các đạo diễn thường làm (một phần do chiến dịch marketing của nhà sản xuất).

Tôi luôn thích những đạo diễn bản lĩnh dám đứng ngoài dư luận như thế!

*

Bài liên quan:

– ĐƯỜNG ĐUA: Căng thẳng, nghẹt thở, với Hồng Ánh làm sản xuất
– Doanh thu Đường Đua thua xa phim ma. Nhưng…    
– Xem đi! Please!       
– Vì sao Đường Đua thành công về PR, thất bại về bán vé?     
– Em chả phải hot blogger nên cho em nói thiệt đi, về Đường Đua    
– Đường Đua: đứa nghịch tử của Tarantino   
– Nói thêm vài điều về chuyện ai cũng biết là chuyện gì    
– Đừng khá hay trung bình khá, vì mắt cú vọ và tim cạn máu của khán giả sẽ làm bạn tắt ngóm 
– Không thể dùng sự đông/vắng của phòng vé để nói là phim hay/dở    
– Gửi Lê Hồng Lâm: Bạn đã hiểu sai chữ “Tử Tế” mà mình nói    
– Sự bất lực của báo chí trong vụ Đường Đua   
– 5 bài học về marketing sau “vụ” Đường Đua

 

Ý kiến - Thảo luận

23:37 Tuesday,6.8.2013 Đăng bởi:  Hoài Thanh
Bài viết của nhà báo Lê Hồng Lâm rất hay, phân tích rất tỉ mỉ, nhưng mắc phải lỗi là qui nạp sai. Nhà báo bảo phim nghệ thuật thì thường ít khách vậy phim Đường Đua ít khách suy ra phim DD là phim nghệ thuật. Đây là điều thật mắc cười trong bài viết của nhà báo. Nh&agr
...xem tiếp
23:37 Tuesday,6.8.2013 Đăng bởi:  Hoài Thanh
Bài viết của nhà báo Lê Hồng Lâm rất hay, phân tích rất tỉ mỉ, nhưng mắc phải lỗi là qui nạp sai. Nhà báo bảo phim nghệ thuật thì thường ít khách vậy phim Đường Đua ít khách suy ra phim DD là phim nghệ thuật. Đây là điều thật mắc cười trong bài viết của nhà báo. Nhà báo không chịu chấp nhận sự thật rằng phim DD quá dở nên không ai đến xem cả. 
18:08 Tuesday,6.8.2013 Đăng bởi:  Hoàng Dung
Ý kiến của Hòang Nam có điểm đáng suy nghĩ là việc các phóng viên lợi dụng tờ báo của mình để làm chuyện riêng, trong khi những người khác không có được cái ưu thế đó để phản biện, và phải lên các mạng xã hội hay là trang web kiểu Soi để bày tỏ ý ki
...xem tiếp
18:08 Tuesday,6.8.2013 Đăng bởi:  Hoàng Dung
Ý kiến của Hòang Nam có điểm đáng suy nghĩ là việc các phóng viên lợi dụng tờ báo của mình để làm chuyện riêng, trong khi những người khác không có được cái ưu thế đó để phản biện, và phải lên các mạng xã hội hay là trang web kiểu Soi để bày tỏ ý kiến. Những chuyện này tuy không mới trong showbiz và kinh doanh buon bán ở VN, nhưng lần này làm hơi quá lố. Đọc lại các title như: Cuốn hút một Đường Đua, Đường Đua sinh ra để được ngợi khen, Đường Đua vạch xuất phát mới của phim Việt, Đường Đua điểm sáng của phim Việt, Mong có nhiều Đường Đua,.... thấy gai hết cả người. Có những tờ báo còn đăng đi đăng lại hết ngày này nọ các bài khen!? Chả hiểu sau này các phóng viên viết những khúc hoan ca ấy có xấu hổ không nhỉ?
 
Dân quảng cáo rất nể Nguyễn Thanh Sơn về chuyện làm tin lên báo trong vụ này; nhưng dân kinh doanh thì cười, vì quảng cáo mà không có chỗ bán hàng (các rạp xếp lịch rất hạn chế), thông điệp ăn theo (như có ai đó viết trên SOI rồi), hàng hóa thì không rõ làm hướng đến đối tượng nào, chất lượng cũng không ổn; giới điện ảnh chắc chắn không vui khi Đường Đua tự cho mình là phim tử tế, phim hay trong một nền điện ảnh già cỗi (sic), vân vân và vân vân. Còn với giới nghệ sỹ thì khi nghe những câu phát biểu của Sơn, có lẽ Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Phan Đăng Di, Đặng Nhật Minh,... sẽ không thể thấy vui vẻ được. Chưa nói đến các đạo diễn kỳ cựu bị Sơn so sánh và chê phim thảm họa như Lê Hoàng, Quang Hải, Bảo Trung.
 
Phải chăng căn bệnh vĩ cuồng của giới trí thức VN mà cụ Cao Xuân Hạo vẫn cảnh báo, đã lan qua cả giới buôn phim và buôn báo hay chăng? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả