Kiến trúc

Có nhiều thứ rất nên học hỏi từ công trình của Võ Trọng Nghĩa 23. 06. 13 - 7:37 pm

Phó Đức Tùng

Ảnh từ Ashui

Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nhìn những khía cạnh tốt thì hữu ích hơn. Kiến trúc, cho dù là ai thiết kế cũng không thể vừa mắt, vừa lòng tất cả mọi người. Ngay đến nhà của Wright, LeCorbusier cũng còn bị ối người chê bai. Ở Việt Nam không có nhiều công trình tốt. Quanh đi quẩn lại, những kiểu nhà Trang Nhung trăm tỉ vẫn là đa số. Võ Trọng Nghĩa có nhiều công trình đáng để chúng ta học hỏi, cho dù có nhiều ý kiến thấy điều này điều kia bất hợp lý.

Theo tôi, chúng ta nên thống nhất với nhau một số điểm:

1. Không nên kết luận chung chung là kiểu: tâm lý Việt Nam thế này, điều kiện Việt Nam thế kia: vì rằng cho dù số đông có tâm lý thế nào thì cá nhân một số người, cụ thể là chủ nhà vẫn được phép có tâm lý khác. Đó là chưa kể người viết cũng chưa chắc đại diện được cho số đông.

Điều kiện Việt Nam cũng vậy, có thể nhiều nơi như vậy, nhưng cụ thể tại vị trí công trình lại khác.

2. Tất nhiên về nguyên tắc, ta có thể rút kinh nghiệm, học hỏi được từ cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Nếu thấy một ví dụ hay thì có thể học theo, thấy cái dở thì tránh, nhưng thực tế thì người ta chỉ có thể học theo cái hay, còn dở thì muôn hình vạn trạng, tránh cái dở chưa chắc tìm ra được cái hay. Vì vậy, trong sách vở kiến trúc, đô thị học, người ta chú trọng giới thiệu best practice, chứ không ai rỗi hơi phân tích các thể loại bất hợp lý trên đời.

Về công trình này cũng như một số công trình khác của Võ Trọng Nghĩa, tôi thấy có một số điểm tích cực, mà các kiến trúc sư ta rất nên học hỏi:

1. Về hình thức, đã có nhiều nỗ lực khai thác cho ra “chất” vật liệu. Bê tông thì cho ra bê tông, tre nứa thì cho ra tre nứa v.v. trong khi trên thị trường chung vẫn còn nhù nhờ, nặng về tô trát, ốp lát bên ngoài. Bê tông có cái cứng, cái nặng nề của bê tông, nhưng cũng có những cái mạnh khỏe, thi vị của nó. Tất nhiên không phải ai cũng thích bê tông, và không phải ai cũng muốn ở một nhà bê tông. Vì thế chê một ngôi nhà bê tông là nặng nề, thô cứng thì không khác gì một người thích ăn xôi chê người nấu phở là cho nước lõng bõng.

Ảnh từ Ashui

2. Về mặt thi công, rất chú trọng chi tiết, sạch sẽ, tỷ mỷ, chia thành các modul hoàn hảo, đáng để học tập.

3. Về mặt không gian: khai thác tốt các loại không gian, có chỗ sáng, chỗ tối, chỗ rộng, chỗ hẹp, chỗ chính, phụ, cong, thẳng v.v. vì thế một ngôi nhà có nhiều loại không gian sinh động, hấp dẫn. Chẳng hạn như bạn Phi Ngư chê các ô cửa tổ ong làm nát view nhìn ra cảnh quan, mình nghĩ đây là xử lý khéo của Nghĩa. Công trình này dạng như nhà ống, có cái mặt tiền nhìn ra công viên thì phòng nào cũng cần mở ra đó. Cảnh quan tuy đẹp nhưng về cơ bản vẫn chỉ là một cảnh, một góc nhìn như vậy trên tất cả các tầng. Vậy làm sao để mỗi phòng, mỗi tầng nhìn cảnh đó lại như mới, lại khác nhau. Panorama toàn cảnh tất nhiên là trực diện, là đẹp, nhưng cũng chỉ được dùng một lần, không thể nhắc lại trong các phòng, các tầng. Những ô bê tông có phần đặc, độ sâu vừa đủ và kích thước khác nhau sẽ không tạo cảm giác một cảnh quan bị cắt nát như là ô gỗ hay sắt, mà chia ra thành nhiều cửa sổ, gần như không có liên quan tới nhau, giống như những bức tranh khác nhau.

.

 4. Về chiếu sáng và thông gió tự nhiên: Nhà của Nghĩa nhìn chung coi trọng vấn đề này hơn hẳn đại đa số kiến trúc hiện nay ở Việt Nam. Tất nhiên khả năng một không gian cụ thể nào đó chưa được tối ưu vẫn có, nhưng nói kiến trúc của Nghĩa có đặc điểm là tăm tối hay không thông thoáng thì chắc là không đúng. Việc sử dụng những ô bê tông có thể điều tiết ánh sáng, khiến cho không gian lung linh, huyền ảo hơn là đúng. Điều đó không có gì là mới đến mức phải tranh cãi. Còn việc các ô này có bị nung nóng hay không, còn phụ thuộc vào hướng và việc thông gió. Một diện bê tông nếu không đúng hướng bị nắng thì cũng chưa chắc bị nung nóng. Và một bề mặt nóng, nếu có thông gió tốt chưa chắc ảnh hưởng nhiều đến bên trong. Bản thân việc nung nóng một số phần có thể thuận lợi cho đối lưu không khí mà không cần phụ thuộc gió thiên nhiên. Cụ thể ngôi nhà này của Nghĩa có bị nóng không mình không biết, nhưng nếu chỉ nhìn ảnh, không thể nói chắc như bạn Phi Ngư được.

5. Về việc thông thoáng hay đóng kín: đấy là tùy vào tâm lý của từng người. Có những người thích làm “việc ấy” giữa đông đảo quần chúng. Mặt khác, về kỹ thuật có đầy cách, chẳng hạn như kính một chiều, để vừa kín đáo vừa vẫn có không gian thông thoáng được.

6. Về việc trộm cắp: cũng tùy vào tâm lý từng người. như tôi chẳng hạn, nếu ở trong một căn nhà có mười tầng cửa khóa, then cài, chấn song bảo vệ, tôi sẽ mất ngủ vì cảm giác bị tù túng, nhốt kín, mà nếu bị hỏa hoạn hay đột quỵ thì trong không thoát ra được, ngoài không vào cứu được. Tôi thà chịu rủi ro mất cắp còn hơn cảm giác thiếu tự do.

Trong khi đó nhiều người đến chơi nhà tôi thì lại mất ngủ vì không có một chấn song, một khóa cửa nào nên họ thấy không an toàn, mặc dù họ không có gì để mất.

.

7. Về bụi: Nếu nói nhà của Nghĩa đặc trưng là bụi bẩn, bất tiện thì e là không đúng. còn thì nhìn chung, đây là vấn đề triết lý kiến trúc. Nếu ta coi Kiến Trúc là môi trường sống thực thụ, thì sẽ có nhiều loại hoạt động, giao tiếp, giữa trong với ngoài, giữa người với người, giữa người với đồ vật, vì thế không thể tránh được ánh sáng, bụi, gió, côn trùng, xã hội v.v. và chúng ta luôn phải sắp xếp lại. Nếu môi trường quá ồn, bụi, không thể chịu được thì tốt nhất tìm những môi trường khác tốt hơn. Còn nếu xác định kiến trúc có mục đích là phải ngăn cách với bên ngoài, phải không mất công động chân động tay, không bị bụi bẩn v.v… thì e rằng nó sẽ giống với một ngôi mộ để ướp xác hơn là một môi trường sống. Trong kiến trúc nhà ở, đặc biệt khu vực bếp thể hiện rõ điều này. Có nhiều người phụ nữ (đại đa số?) quan tâm đến việc lau dọn bếp cho sạch sẽ hơn là việc nấu ăn. Căn bếp của họ trơn chu, không một vết bụi. mọi thứ cho hết vào các ngăn tủ, sắp xếp ngăn nắp. Tuy nhiên thông thường thì các căn bếp đó giống phòng mạch hơn là bếp, và ngoài những ông chồng xấu số và những đứa trẻ bị bắt nạt thì ít ai tình nguyện ngồi ăn trong những gian bếp đó. Có một số người khác thì lại thích không khí nấu nướng, dụng cụ làm bếp, gia vị bầy hết cả ra. Tất nhiên sẽ mất công dọn dẹp, lau chùi hơn, nhưng rõ ràng tạo ra được một không gian nấu nướng, ăn uống thi vị hơn.

Nói chung, cuộc sống bao gồm đa số các sự bày vẽ, từ ăn uống, quần áo tới xe cộ, nhà cửa, công việc đều là những thứ rách việc, nhằm làm cho cuộc sống phức tạp hơn, mà qua đó cũng hấp dẫn hơn. Còn nếu xác định làm sao cho tối giản, ít chi phí nhất, ít phải động chân động tay nhất, chỉ quy về những thứ thật sự thiết yếu thì e rằng con người chỉ cần trần truồng chạy rông trong rừng cũng sống được từ hàng triệu năm trước, cần gì tới kiến trúc với nhà cửa.

Mặt bằng trệt

 

Mặt bằng tầng 1

 

Mặt bằng tầng 2

 

Mặt bằng tầng 3

 

Mặt bằng tầng 4

 

Mặt bằng tầng 5

 

*

 

Bài liên quan:

– Nhà tích bụi và tốn điện của Võ Trọng Nghĩa
– Tranh luận về kiến trúc: khác cứ khác, nhưng đừng bịt mồm nhau
– Có nhiều thứ rất nên học hỏi từ công trình của Võ Trọng Nghĩa
– Nhân ngôi nhà của Võ Trọng Nghĩa thiết kế – xin bàn một chút về thông gió và chiếu sáng trong kiến trúc
– Góp thêm vài nhận xét về căn nhà do anh Nghĩa thiết kế (cập nhật 2)
– Thực sự là buồn cho cuộc tranh luận này 
– Lạm bàn về thể loại nhà “lạ” 
– Tầng trệt và tầng 1 nhà Bình Thạnh của anh Nghĩa: Khỏe chân thì ngon miệng
– Tầng 2 và 3 nhà anh Nghĩa: rối tinh giao thông và mất vệ sinh

– Tầng 4 và 5 nhà anh Nghĩa: lúng túng khi cần cấp cứu  
– “Vì sao không phỏng vấn chủ nhà? Tôi nghĩ là thừa”

Ý kiến - Thảo luận

22:07 Wednesday,26.6.2013 Đăng bởi:  Bình Minh Mưa
Mặt bằng nát bét. Luôn luôn là tình trạng thằng trên lầu ỉa đái thẳng lên đầu thằng dưới lầu. Cấu trúc như những ngôi nhà ma, hành lang ngoắt ngoéo, đêm không dám ở một mình một lầu.
...xem tiếp
22:07 Wednesday,26.6.2013 Đăng bởi:  Bình Minh Mưa
Mặt bằng nát bét. Luôn luôn là tình trạng thằng trên lầu ỉa đái thẳng lên đầu thằng dưới lầu. Cấu trúc như những ngôi nhà ma, hành lang ngoắt ngoéo, đêm không dám ở một mình một lầu. 
22:14 Tuesday,25.6.2013 Đăng bởi:  Khoa Hữu
Phải chi có ai đó lục lại những kiến trúc xưa trước thời 75, cũng như các KTS VN danh giá đang dần rơi vào lãng quên... mà đem ra mổ xẻ, để các kts VN thế hệ sau, các chủ đầu tư tương lai hiểu rõ hơn về 1 thời huy hoàng của cái gọi lạ BẢN SẮC DÂN TỘC VN TRONG KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI. Để nhữ
...xem tiếp
22:14 Tuesday,25.6.2013 Đăng bởi:  Khoa Hữu
Phải chi có ai đó lục lại những kiến trúc xưa trước thời 75, cũng như các KTS VN danh giá đang dần rơi vào lãng quên... mà đem ra mổ xẻ, để các kts VN thế hệ sau, các chủ đầu tư tương lai hiểu rõ hơn về 1 thời huy hoàng của cái gọi lạ BẢN SẮC DÂN TỘC VN TRONG KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI. Để những người như Võ Trọng Nghĩa được đặt đúng chỗ khi mang ra đánh giá. P/S: Theo thông tin mình biết thì đây là công trình của S+Na.  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả