Soi học

Mỹ thuật Hồi giáo: ngặt nghèo giọt mực với giọt máu 25. 06. 13 - 8:14 am

Sáng Ánh

Nói khái quát về một nền nghệ thuật 14 thế kỉ và trên ba lục địa Á, Âu, Phi thì rất khó, đên nỗi có người nhận định là không hề có cái gì gọi là mỹ thuật Hồi giáo. Nhưng nếu không có một mỹ thuật Hồi giáo thì có nhiều mỹ thuật Hồi giáo. Nhân xem tranh của một nữ họa sĩ Pakistan vẽ trăng trên SOI xin nói liều về vài nét đại (mao tôn) cương.

Sophia Ahmed Sattar (nữ họa sĩ Pakistan), The Crescent Moon (Trăng khuyết),70 x 60 in, sơn dầu trên canvas.

Tranh này, thứ nhất, trước sau nào thấy bóng người. Tranh có mặt trăng khuyết vì đây là biểu tượng quen thuộc của tôn giáo Hồi, nhưng không có chị Hằng, không có anh Pierrot, không có cô Diane. Thay vào các vị này, ta có một hàng chữ loằng ngoằng. Câu này có trên cờ Iran, trên cờ Saudi và không phải là “Riyadh Tehran vô Nghiêu Thuấn/ Mecca Qom Điền hữu Võ Thang” mà là câu kinh nhập đạo của người Hồi (shahada) “Chỉ có một thánh linh, đó là Thượng đế và Muhammad là thiên sứ của Người”. Mỹ thuật gốc Hồi, không biết nói thế nào, thay vì sử dụng hình dung pháp thì sử dụng thư pháp. Trong 14 thế kỉ qua, các ông đồ Hồi vẫn ngồi đó, và kiếm bộn bạc.

Đây bắt nguồn từ một cấm kị, tuy không có trong kinh Qran nhưng có trong Sunnath, là ghi chép những hành động, lời giảng v.v. của thiên sứ. Muhammad nghiêm cấm các hình tượng thờ phượng, là chuyện mê tín thông dụng ở khu vực trước khi có đạo Hồi, 36 vị thần từ thần cây cọ đầu đình đến thần ao thần giếng. Việc ngăn cấm này được áp dụng với cá nhân Thiên sứ (và tất cả các Thiên sứ trước đó của Cựu ước tức của đạo Do thái và Ki tô là những tôn giáo độc thần được người Hồi coi là ngành tổ, năm trăm năm trước là chung một nhà). Cấm tôn thờ cá nhân, kể cả cá sông, cá ngòi, cá vượt vũ môn, cá ra biển lớn… cho nên vì vậy, không có tượng, không có tranh, không có hình, không có phim Muhammad hay bất cứ thần gì, thần khỉ thần voi vì đã tôn thờ linh tinh thì con gì, cái gì lại chẳng thờ được, ngay đến ông bình vôi. Ngày nay, Taliban còn cấm cả ảnh và phim bộ Hàn Quốc là vì vậy.

Để lách luật cấm mô tả Thiên sứ Muhammad, các họa sĩ Hồi đôi khi vẽ ông với mặt được che đi hay để trống. Như thế có thể bảo tôi có vẽ Muhammad đâu, chỉ vẽ quần áo ông thôi mà. Trong ảnh là một bức vẽ Thiên sứ Muhammad trong một ngôi đền của Thổ Nhĩ Kỳ, thế kỷ 16, tranh vẽ trên giấy, hiện bày tại bảo tàng Mỹ thuật Boston. Tác giả mô tả Muhammad mặc áo có cổ tay rất dài để tránh lộ hai tay, mặc dầu vẫn thấy cổ và dấu chỉ các nét mặt là vẫn mờ mờ nhận ra.

Nhưng theo Hồi giáo, niềm tin là chuyện cá nhân và trực tiếp giữa người bắc thang hỏi thẳng và ông Trời. Cho nên Muhammad làm gì, nói gì dĩ nhiên là cũng có 36 cách diễn giải Sunnah. Đại khái, mỹ thuật thuộc giáo phái Shia vẫn vẽ người, trong khi giáo phái Sunni (chính thống) không vẽ cả cái bóng mà dồn hết năng lực vào kiến trúc và thư pháp

Một bức thư pháp

Nói cho kỹ, ngay tại khu vực Shia (Iran, hay khắp thế giới Hồi dưới đế triều Ai Cập Fatimidh), hình dung tuy có những cũng giới hạn, phần lớn là tiểu họa (miniature) trên những trang sách quí. Minh họa bằng tay những trang sách thì phải mờ mắt là một, hai là phải quí, chỉ có lũ vương tôn mới có chứ nông dân lam lũ có bao giờ được nhìn đến mà phê bình lãnh đạo thiếu niềm tin. Trên các bức tiểu họa này, có khi thấy được cả Thiên sứ nhưng không hề thấy mặt. Bộ phim hoành tráng “The Message” (Thông điệp, 1977) về cuộc đời và sự nghiệp của ông không hề cho thấy mặt ông nhưng vẫn gặp phải dư luận từ phía bảo thủ.

Đây là một bức tiểu họa từ Siyer-i Nebi, một tiểu sử tôn giáo của Mohammed bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, hoàn tất năm 1388 và sau đó được minh họa thêm với 814 bức tiểu họa dưới thời Murad III cai trị Ottoman. Việc minh họa này mãi đến 1595 mới hoàn công. Bức này diễn tả Ali bin Abu Taleb chặt đầu Nasr bin al-Hareth trước mặt Muhammad và tùy tùng.

Mỹ thuật Hồi xuất sắc và huy hoàng trong lãnh vực thư pháp, chuyển hết tài năng sang mặt chữ. May là ngoằn ngoèo như chữ Hán nên còn có đất để mà vẽ chứ thẳng tuột như mẫu tự La-tinh thì chỉ còn có mà tát nước roman times hay nhờ đến những ông đồ ngày nay của Việt Nam. Những câu chữ này, chẳng ai cấm tôi viết tên em trên lá trên hoa, chỉ cấm chụp hình (em) và quay lén bằng điện thoại tải lên mạng. Tức là cũng có thể là những câu thơ tình tả người đẹp Thatcher hay tả mây tả nước nhưng chủ yếu là nội dung tôn giáo. Theo lời của Thiên sứ, giọt mực của người cầm bút nặng hơn là giọt máu người tử đạo.

Vậy thì, biết nói thế thì bỏ bom xuống và cầm bút lông đi.

 

Ý kiến - Thảo luận

11:59 Wednesday,26.6.2013 Đăng bởi:  SA

@Candid
Hẳn là có phần như vậy, nhưng bức xúc được họ thể hiện vào dịp tranh biếm hoạ có những gốc tích sâu xa hơn, trước hết là không khí bài Hồi từ 2001 ở Tây phương, xâm lược Iraq, chiến tranh Afghanistan, vấn đề Palestine, và tài nguyên của Ả rạp bị kiểm soát bởi những tập
...xem tiếp

11:59 Wednesday,26.6.2013 Đăng bởi:  SA

@Candid
Hẳn là có phần như vậy, nhưng bức xúc được họ thể hiện vào dịp tranh biếm hoạ có những gốc tích sâu xa hơn, trước hết là không khí bài Hồi từ 2001 ở Tây phương, xâm lược Iraq, chiến tranh Afghanistan, vấn đề Palestine, và tài nguyên của Ả rạp bị kiểm soát bởi những tập đoàn nuớc ngoài (xin lỗi, nuớc lạ), với sự đồng lõa của giai cấp lãnh đạo địa phương. Giờ nếu báo Trung Quôc có tranh biếm hoạ đức thánh Trần (Hưng Đạo), thì chắc ta cũng có người bức xúc biểu tình. Người Phi châu nghe nói thế thì sẽ chỉ tự hỏi ông thánh Trần là ông nào mà Việt Nam họ lại cuồng tín đến như vậy?

Tâm lý mặc cảm sa sút của Trung Đông/Hồi giáo từ mấy thế kỉ phát triển công nghệ ở Âu châu. Khi Charles Martel chặn đứng bành trướng Hồi giáo ở Poitires/Tour (932) thì Âu châu là man rợ, còn Hồi giáo là văn minh. Quá khứ này đè nặng tâm lý Hồi, kiểu tâm lý gai cấp phong kiến sau thời kỳ CCRĐ:
Có bận chứng kiến, chung toa với nhau và trao đổi, anh Ý bảo tao người Sicily thì anh Bắc Phi suy nghĩ một lát và phát biểu "À, Sicily, có phải ngày xưa là thuộc địa của chúng tao?"

 
22:19 Tuesday,25.6.2013 Đăng bởi:  quê bông lông xã, ba la huyện
Từng lênh phênh ở nơi trước gọi là Constantinopol. Tâm hồn rạo rực với những tích trong Một ngàn lẻ một đêm. Lập tức Xuýt trả giả mạng, hoặc gần thế, vì những tên cướp (từng nấp trong chum trong chuyện Ali Baba) ở cuối thế lỷ XX. Giờ chắc cũng thế. 
Nếu định đột nhập (để viết, sáng tác, hoặc thậm
...xem tiếp
22:19 Tuesday,25.6.2013 Đăng bởi:  quê bông lông xã, ba la huyện
Từng lênh phênh ở nơi trước gọi là Constantinopol. Tâm hồn rạo rực với những tích trong Một ngàn lẻ một đêm. Lập tức Xuýt trả giả mạng, hoặc gần thế, vì những tên cướp (từng nấp trong chum trong chuyện Ali Baba) ở cuối thế lỷ XX. Giờ chắc cũng thế. 
Nếu định đột nhập (để viết, sáng tác, hoặc thậm chí làm ăn) với thế giới Muslim, sẽ dễ có cảm giác như lao vào tường kính... Hãy tưởng tượng sống với ai đó (cho rằng mình) làm gì cũng đúng. Mong các bậc cao kiến hơn chỉ giáo nếu chính chủ còm này còn vụng dại... Đa tạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả