Gẫm & Bình

Chia buồn cùng mỹ thuật. Chúc mừng Hoàng Duy Vàng 15. 06. 13 - 1:35 pm

 

Hoa súng, 2006 – tranh Hoàng Duy Vàng thời mới ra trường

Sinh năm 1980. Hai mươi mốt tuổi, Hoàng Duy Vàng vào trường Yết Kiêu – ngôi trường mà ngày đầu tiên mở ra có một cái tên to hơn – Mỹ thuật Đông dương – với những sinh viên của nó yên tâm và trung thành với bút pháp của mình: Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh. Lê Phổ…

2006, Hoàng Duy Vàng ra trường, rồi trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ. Anh vẽ nhiều, Hội biết mặt, các chú biết tên, nhưng người mua và người xem Việt Nam thì có lẽ còn chưa có nhiều ấn tượng với tranh anh, mặc dù danh sách triển lãm của anh dài dằng dặc

Từ 2006 đến 2011, Hoàng Duy Vàng làm 7 triển lãm đơn, tức đều đều mỗi năm một lần, có năm hai lần, trải đủ loại chất liệu, hình thức: sơn dầu, sơn mài, tranh in, sắp đặt, tượng.

Từ 2002 đến 2012, Duy Vàng tham gia chừng 20 triển lãm chung.

Sắp đặt với 54 quả trứng trong triển lãm “Thiên nhiên nổi dậy” của Hoàng Duy Vàng

Hoàng Duy Vàng là người dễ thương, nhiệt tình, và cả khôn ngoan, khiêm tốn. Anh vẽ đẹp hơn rất nhiều họa sĩ, kể cả các họa sĩ vẫn gọi là đàn anh mà báo chí Việt Nam xưng tụng. Nhưng như trong một cơn cuồng đương đại, truyền thông Việt Nam không mặn mà với những gì đẹp mắt mà Hoàng Duy Vàng sản xuất ra. Chúng đẹp mắt đấy, nhưng hiền lành, chân chỉ quá. Vàng lại không biết vẽ bản thân. Cái tôi trong tranh của anh rất giống cái tôi của những họa sĩ thời kỳ xa xưa trước kia của Việt Nam kháng chiến: lặn vào tranh, lùi xuống, để dành màu tả thứ khác; Nhưng không giống và yếu ớt hơn các thế hệ trước kia với “thứ khác ngoài tôi ra” là cuộc sống, “thứ khác” của tranh Vàng chỉ là phong cảnh: hoa súng, núi đồi, phong cảnh… Cái tôi tự mãn – một thứ thời thượng, dễ nổi của thời nay – gần như vắng mặt trong tranh Hoàng Duy Vàng. Truyền thông Việt không hào hứng với những người ít xưng “tôi”.

 

Núi, 2003 – Sơn dầu của Hoàng Duy Vàng

Truyền thông Việt lại càng không coi Hoàng Duy Vàng là một thứ để khai thác khi họ không cần tranh của họa sĩ, họ cần câu chuyện, hoặc những phát ngôn gây sốc. Nhưng “Vàng đã chọn, Vàng đã chọn lối này… cơ!*, anh quan tâm đến những vấn đề đứng đắn (ai cấm anh nào?), ngang với Tổng thư ký Liên hiệp quốc: “Ngày mai sẽ ra sao nếu tất cả các quốc gia chưa có Hòa bình, chưa có đủ lương thực, thực phẩm; sẽ ra sao khi tình hình kinh tế tài chính bất ổn lên và xuống, rồi đến thời tiết khí hậu không thuận lợi cho sự phát triển. Hai nghìn lẻ chín còn đặt ra câu hỏi chúng ta đã và sẽ phải làm gì tại bàn tròn của các cuộc hội thảo, đàm phán để có những sự lựa chọn cho tương lai, hay các giải pháp tốt vẫn còn là những ẩn số như là những gì ở đằng sau cánh cửa…” (Về triển lãm “Hai nghìn lẻ chín”). Hỏi báo nào còn hào hứng nổi với anh!

Tự họa của Hoàng Duy Vàng

Quan tâm những vấn đề vĩ mô như thế nên chẳng ai trách một người dễ thương như Hoàng Duy Vàng năng lui tới trụ sở Hội Mỹ thuật. Chỉ tiếc hình như thời gian cho công tác xã hội, cho quan tâm tới “thứ khác ngoài tôi” đã làm anh nhạt nhòa dần. Người viết tiếc cho những bức sơn dầu kỹ càng thời kỳ đầu của anh, dù rất giống tranh cổ điển Pháp. Nhưng giống các bậc thầy cổ điển vẫn còn tốt hơn là về sau anh chuyển dần sang giống với đám đông: những điêu khắc trứng đẹp kiểu mỹ nghệ, những bức tranh sơn mài nguệch ngoạc mỏng và nông, thiếu những ánh dát vàng thì cũng chẳng còn giá trị gì…,

Tranh Hoàng Duy Vàng

… hoặc những bức hoa súng trông tuy đã giống hoa súng hơn nhưng vô cảm, là loại tranh đèm đẹp, không còn cái táo bạo của những bông súng (tuy nhìn chẳng ra hoa) của hồi anh mới ra trường…

Bốn mùa – Tranh Hoàng Duy Vàng

Mỗi năm một triển lãm riêng, mỗi lần lại thử một thể loại, từ sắp đặt tới trừu tượng, nên nghệ thuật của Vàng ngày càng nông, càng thuần trang trí… cũng là điều có thể hiểu được. Anh và nghệ thuật của anh điển hình cho công tác Đoàn ở Việt Nam: có chiều rộng nhưng thiếu chiều sâu, đáng yêu đấy nhưng không đóng góp được gì cho sự tiến hóa của nghệ thuật. Nhưng thà rằng như thế…

Thà rằng như thế rồi ít nhất người ta vẫn còn những họa phẩm để có thể treo tường, làm ấm một góc phòng khách. Năm nay, Hoàng Duy Vàng bước sang tuổi 33 – tuổi mà người đàn ông thường nghĩ về sự nghiệp, công danh một cách nghiêm túc và có phần lo lắng. Có lẽ Hoàng Duy Vàng cũng thế, và anh đã chọn một hướng đi mới để dứt khoát về đời mình: rành mạch khuynh hướng cán bộ khung. Anh chính thức hô khẩu hiệu – đủ loại khẩu hiệu, (như Duy Vàng lâu nay vẫn tán loạn thế, không tập trung được vào cái gì): về trách nhiệm của nghệ thuật, nghệ sĩ (“Một tác phẩm nghệ thuật đẹp bên trong là cả tâm hồn đẹp…”), về ái quốc (“Tôi yêu Việt Nam”), về biên giới, về đoàn kết các dân tộc (“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, các dân tộc anh em là ruột thịt”), và cả đoàn kết các quốc gia…

Hoàng Duy Vàng, “Sống để vẽ”, sơn dầu, 40 x 60 cm

Lại một lần nữa, chẳng ai cấm cả. Nói thực, trong số các họa sĩ trẻ hiện nay, người mà tư cách lẫn tính tình, lẫn tài nghệ có thể tiếp nối công tác Hội sau này chắc chỉ có Hoàng Duy Vàng. Anh lên làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ cũng là do mọi người tin tưởng mà bầu lên, không phải do đi cửa trước cửa sau vòng vèo. Khi làm, anh là người vì công việc, vì anh em… Do vậy, nếu Hoàng Duy Vàng ngày nào đó có ngồi trên ghế của Ban Thường vụ Hội Mỹ thuật, tôi cho rằng đó phải là điều đáng mừng cho công tác đoàn thể, cho anh em họa sĩ.

Tuy nhiên, nếu những bức tranh khẩu hiệu hôm nay có góp phần giúp anh khẳng định lập trường chính trị, để đưa anh lên một vị trí nào đó trong tương lai, thì đó quả là điều đáng buồn. Nghệ thuật đã bị bắt làm con tin cho những lộ trình định sẵn, trong một hình thức “bét” nhất là tranh cổ động. Mà nào có phải loại tranh giễu nhại kiểu Wang Guangyi, sâu sắc về mặt ý tưởng. Tranh của Hoàng Duy Vàng chỉ đơn giản là cổ động, xấu về hình, nông về ý, nhưng rõ ràng về mặt lập trường. Muốn bình nhiều hơn cũng không có gì để bình.

“Đường biên giới”. Sơn dầu của Hoàng Duy Vàng

Vậy thì có khi lần này, khán giả đích thực của Vàng không phải là chúng ta nữa rồi? Tôi ngờ lắm, và nếu thế thật thì xin chia buồn cùng mỹ thuật. Chúc mừng Hoàng Duy Vàng.

*

(*) Nhại lời bài hát

*

Bài liên quan:

– Hoàng Duy Vàng: “Tên tôi là Đỏ”
– 
Chia buồn cùng mỹ thuật. Chúc mừng Hoàng Duy Vàng 

– Hoàng Duy Vàng vẫn kiên trì giữa lúc mỹ thuật đang khốn khó 

 

Ý kiến - Thảo luận

12:43 Tuesday,3.3.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
em cố tình không hiểu
...xem tiếp
12:43 Tuesday,3.3.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
em cố tình không hiểu 
18:49 Monday,24.6.2013 Đăng bởi:  Đinh công Đạt
Khổ quá! Thế mà cũng không hiểu!!!!! 
...xem tiếp
18:49 Monday,24.6.2013 Đăng bởi:  Đinh công Đạt
Khổ quá! Thế mà cũng không hiểu!!!!!  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả