Kiến trúc

Từ những thất cách của nhà ống Việt 12. 06. 13 - 6:09 am

Nghiêm Toàn

 

Một phố nhà ống trên đường Thanh Xuân


Ưu và nhược của nhà ống Việt căn bản

Với nhà ống ở Việt Nam, như đã phân tích trong bài “Kinh tế sẽ quyết định bầu hay ống” của anh Sáng Ánh – phương thức sản xuất là yếu tố quyết định. Nói một cách nôm na, nó xuất phát từ sức ép dân số, tâm lý sở hữu đất đai như việc tích lũy một tài sản quan trọng nhất, cùng với hoạt động tiểu thương sôi động. Nhà ống như một tất yếu – một giải pháp chấp nhận được cho những mệnh đề trên. Điều này sẽ còn đúng trong tương lai gần.

Bỏ qua câu chuyện của nhà ống Hà Lan, nhà ống phố cổ Hà Nội, Hội An, nhà ống “hiện đại” có cấu trúc gần giống nhau khi giao thông trục đứng (thang) bố trí giữa nhà, tầng 1 là phòng khách, để xe hoặc kinh doanh, bếp, ăn, các tầng trên là các phòng ngủ bố trí bám theo trục giao thông đứng, trên cùng thì thường là phòng thờ.

Ưu điểm của nó là tiết kiệm đất, với việc bố trí giao thông đứng ở trung tâm nên dễ chia căn nhà và các tầng thành các không gian, phòng độc lập ; thiết kế và thi công đơn giản, các hệ thống kỹ thuật liền mạch. Căn nhà này thì dễ đến mức chủ nhà không cần phải thuê thiết kế, các đội thi công hầu như biết rõ mình cần phải làm gì.

Nhược điểm của nó là không gian bị cắt vụn tất cả các tầng bởi trục giao thông đứng, điều kiện thông gió và chiếu sáng tự nhiên kém cỏi, sự kết nối không gian chỉ còn mang ý nghĩa giao thông thuần túy.

Bên trong một nhà ống Việt căn bản


Ưu cũng sẽ thành nhược, nếu…

Ưu điểm hay nhược điểm phân tích ở trên là hoàn toàn mang tính chất tương đối, phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu sử dụng. Nếu như tôi có một gia đình lớn với rất nhiều thành viên và tôi cần thật nhiều phòng thì đây hầu như là giải pháp bắt buộc, các nhu cầu khác (nếu có) như thông gió, chiếu sáng tự nhiên, cây xanh hay gì gì đó sẽ xếp hàng thứ yếu.

Tuy vậy, điều tệ hại là giải pháp chia nhỏ nêu trên bị coi như một sự tất yếu áp dụng cho mọi trường hợp, mọi quy mô gia đình, thậm chí kể cả nhà ở kết hợp kinh doanh và nhà ở thuần túy cũng được áp dụng với chỉ một giải pháp. Hàng chục, hàng trăm ngàn những nhà ống kiểu này đã được xây trong một đêm (cường điệu chút, trong quãng vài năm) sôi động của thị trường bất động sản tại các khu đô thị mới.

Sự tham gia của các kiến trúc sư trong các căn nhà kiểu này là quá ư khiêm tốn, một mặt tiền cóp nhặt các chi tiết của Richard Mayer hay gì gì đi nữa thì cũng chả có gì sáng sủa hơn một mặt tiền của các cột đầu La Mã đít Ai Cập nếu như không có chút cải thiện nào về cấu trúc không gian. Tất nhiên, ở một khía cạnh nào đó, những dãy phố với mặt tiền hiện đại (như ở Đà Nẵng) rõ ràng là dễ chịu hơn những khu phố lôm côm ở Hà Nội. Tuy vậy, sự khác biệt vẫn vô cùng ít ỏi.

Một góc phố Đà Nẵng, người viết bài ảnh hưởng bởi ấn tượng đầu tiên với các khu phố mới mở của Đà Nẵng sau năm 1995, qua thời gian, với hoạt động thương mại phát triển sôi động, Đà Nẵng cũng có phần Hà Nội hóa, không còn nguyên vẻ ngăn nắp, sáng sủa như xưa nữa

Nói một cách nôm na là với các nguyên liệu có sẵn (vị trí, diện tích, nhu cầu cứng (chỗ ở), điều kiện kinh tế), đầu bếp là người chịu trách nhiệm cân đối. Nếu các điều kiện này khó khăn, chí ít tôi cần có một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng (đủ chỗ ở), đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm (thông gió, chiếu sáng tối thiểu). Nếu như tôi dư giả, tôi có quyền được đầu bếp giới thiệu cho món ngon, đầy đủ khai vị và tráng miệng trong không gian thú vị. Tóm lại, không thể nói khác được, kiến trúc sư Việt Nam là những đầu bếp dở, nấu đi nấu lại món cứng ngắc, thay đổi chỉ ở việc đặt vào hay bỏ ra khúc hành hoa hay quả cà chua tỉa tót, đôi khi vô duyên và chả đóng góp gì cho món ăn cả.

“Vượt gộp”: Hướng đi mới cho nhà ống Việt

Bên cạnh các nhà ống đại trà này, không phải là không có các kiến trúc sư có hướng đi tìm tòi mới cho cấu trúc, không gian nhà ống, ở đâu đó như Võ Trọng Nghĩa với căn nhà đã được bàn tán sôi nổi trên Soi, Đoàn Kỳ Thanh và các kiến trúc sư trẻ mang ảnh hưởng từ anh, từ Đào Thanh Hưng như công trình đã đề cập trong bài “Kiến trúc sư trẻ cứu nhà ống” và nhiều người khác nữa. Thiết kế của họ có cấu trúc linh hoạt, giao thông đứng phụ thuộc vào không gian (thay vì ngược lại như kiểu nhà ống phổ biến) các vấn đề thông gió, chiếu sáng tự nhiên được xử lý một cách khoa học. Một hướng đi mới, tất nhiên không tránh khỏi các ý kiến khác nhau nhưng hết sức cần thiết bởi sự gợi mở, nhất là trong hoàn cảnh của bộ mặt kiến trúc nghèo nàn của Việt Nam hiện nay.

Một công trình dân dụng của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa

Để có một cái nhìn tích cực, người viết xin mạo muội một chút nông cạn về cấu trúc gia đình Việt hiện tại.

– Các gia đình ba thế hệ với ông bà, cha mẹ, một hoặc hai đứa con sống chung vẫn là khá phổ biến.

– Truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên vẫn được duy trì, các dịp như lễ Tết, dỗ chạp cần có không gian chung lớn, đáp ứng như cầu cho đông người.

– Đời sống và tiện nghi của từng cá nhân được coi trọng – cần phải có các không gian riêng biệt.

Với các mệnh đề nêu trên, tùy thuộc vào diện tích đất, điều kiện kinh tế thì sẽ có các giải pháp khác nhau – không có giải pháp nào là dở, chỉ có người thực hiện dở. Cái quan trọng là lựa chọn các giải pháp khoa học, đa dạng thay vì đồng loạt áp dụng một giải pháp duy nhất như đã nêu ở trên, tính toán đến sự cần thiết của thông gió, chiếu sáng tự nhiên và các không gian chung.

Trên tất cả mọi điều, ngôi nhà cho dù đẹp đẽ, khoa học đến đâu cũng không thể là ngôi nhà Việt nếu như không kết nối được với các truyền thống đáng được gìn giữ của dân tộc – đó là truyền thống gia đình, phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên với không gian cốt lõi là không gian sinh hoạt chung với trung tâm của nó là bàn thờ gia tiên – không gian sinh hoạt chung là nơi diễn ra tất cả các hoạt động của gia đình, khi lễ Tết, khi giỗ chạp.

Đó là suy nghĩ của tôi về ngôi nhà Việt ngày hôm nay, như một tìm kiếm cho hướng đi “vượt gộp” mới cho nhà Việt, áp dụng tất cả những giải pháp hợp lý, khoa học phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nhưng vẫn cố gắng gìn giữ những truyền thống tốt đẹp cốt lõi.

Ghi chú: Vượt gộp là định nghĩa văn hóa mà giáo sư Phan Ngọc viết trong cuốn” Bản sắc văn hóa Việt Nam”.

Ý kiến - Thảo luận

10:46 Tuesday,1.5.2018 Đăng bởi:  Nguyễn Trọng Quý
Tôi nghĩ do thời xưa người ta xây nhà ống để nhà vệ sinh có thể xa giếng ăn,  phòng ở,  chỗ sinh hoạt! Nhưng lợi bất cập hại ở chỗ nó vừa ngột ngạt,  thiếu ánh sáng,  vừa nguy hiểm khi cháy nổ,  mất thẩm mỹ khi thiết kế,  làm hẹp không gian đô thị,  hạn chế việc mở rộng lòng đường,  vỉa hè,  khó khăn cho việc trưng bày,  buôn bán,  khó khăn trong vi
...xem tiếp
10:46 Tuesday,1.5.2018 Đăng bởi:  Nguyễn Trọng Quý
Tôi nghĩ do thời xưa người ta xây nhà ống để nhà vệ sinh có thể xa giếng ăn,  phòng ở,  chỗ sinh hoạt! Nhưng lợi bất cập hại ở chỗ nó vừa ngột ngạt,  thiếu ánh sáng,  vừa nguy hiểm khi cháy nổ,  mất thẩm mỹ khi thiết kế,  làm hẹp không gian đô thị,  hạn chế việc mở rộng lòng đường,  vỉa hè,  khó khăn cho việc trưng bày,  buôn bán,  khó khăn trong việc chuyển nhượng,  sang nhượng đất,  mất mỹ quan đô thị...  
10:34 Tuesday,2.7.2013 Đăng bởi:  ntdung

@SiêuNoob
Nếu theo quan điểm của bác, em cũng mạo muội có 1 vài ý kiến như sau. 

Theo bác, hình thức nhà ống là "truyền thống" thì em thấy là cũng nên quy hoạch nhiều hơn những "nhà ống" như vậy vì đó là đặc trưng về văn hoá của người Việt (ch&
...xem tiếp

10:34 Tuesday,2.7.2013 Đăng bởi:  ntdung

@SiêuNoob
Nếu theo quan điểm của bác, em cũng mạo muội có 1 vài ý kiến như sau. 

Theo bác, hình thức nhà ống là "truyền thống" thì em thấy là cũng nên quy hoạch nhiều hơn những "nhà ống" như vậy vì đó là đặc trưng về văn hoá của người Việt (chính xác là người Kinh ở đô thị). Nhưng chỉ có điều là đừng mang cái nét "truyền thống" đấy ra mặt đường lớn, gây nên những cản trở về mặt phát triển giao thông cũng như về mặt thiết kế đô thị. Sao lại không thiết kế những căn nhà đấy chỉ trong nội bộ đơn vị ở, nhường lại mặt tiền cho những khu trung tâm thương mại, những nhà cao tầng kết hợp thương mại hay tốt hơn là những mảng xanh, bãi giữ xe .... ?? 

Còn về nhà truyền thống 3 gian, 5 gian mà bác nói, em có ý phản biện thế này, dù là nó vẫn được thiết kế theo trục dọc nhưng căn nhà được nằm trong 1 khuôn viên rất lớn, xung quanh là sân vườn nên chủ động được việc xoay hướng nhà theo hướng thuận lợi. Còn về công năng, các không gian cá nhân không thật sự được phân cách, VD như "phòng ngủ" chỉ là chỗ kê 1 cái giường ở 1-2 gian bên phòng thờ và khách ở chính giữa, khu vực bếp và vệ sinh cũng được tách ra thành khu vực khác, dẫn đến việc dù là cùng 1 trục dọc nhưng không gian cực kì thoáng, vấn đề thông gió, chắn nắng hầu như chỉ cần thợ cả, thợ lành nghề là có thể xây được (theo kinh nghiệm). Điều đấy hoàn toàn khác biệt với đúng bản chất nhà ống hiện nay, tốt lắm là có 2 mặt thoáng, thậm chí chỉ 1 (trong ngõ/hẻm nhỏ thì có khi mở cửa sổ ra là bước sang được nhà hàng xóm), hướng nhà cố định, thì việc tính toán về thông gió, chiếu sáng là khó hơn rất nhiều so với nhà truyền thống 3 gian hay 5 gian.

Theo em thấy thì như nhà ống ở khu vực phố cổ HN, cũng có chút cải tiến hơn là nhà ống hiện tại, dù là nhà rất dài nhưng đều có sân giữa (tương đương với giếng trời trong nhà ống hiện đại) và nhà ngày xưa thấp, cùng lắm là 2-3 tầng vì dân số ít, còn ngày nay, với áp lực dân số ngày càng kinh khủng, việc chồng tầng là không thể tránh khỏi, mà tầng càng cao, việc chiếu sáng, thông gió lại càng khó.

Chính vì thế mà em nghĩ là có nên thay đổi nét "truyền thống" (mà thực ra là hệ quả của xã hội ngày xưa) để trở nên tốt đẹp hơn, phù hợp hơn với tương lai, còn cái gì thuộc về truyền thống, em xin tạo 1 khu riêng, với cơ chế quản lý riêng (như phố cổ Hội An hay gần đây nhất là vụ làng cổ Đường Lâm).

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả