Khác

Thứ Bảy, tuần thứ 2: Vượt khỏi những khán phòng, nghe Lê Cát Trọng Lý hân hoan yêu cuộc sống 28. 04. 13 - 12:22 pm

Bài và ảnh: Tịch Ru

 

LUALA Concert Xuân Hè 2013

20. 4. 2013 – 5. 5. 2013
Thứ Bảy và Chủ Nhật
16:00pm – 18:00pm
61 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
www.luala.vn
www.facebook.com/lualavn

Chiều thứ Bảy, 27. 4. 2013, tại LUALA concert Xuân Hè 2013, lần đầu tiên có buổi “xuống đường” của Lê Cát Trọng Lý.

 

Đảo qua thấy bộ nhạc cụ dân tộc hôm nay đã sẵn sàng. Trông rất lạ mắt.

 

16h mới bắt đầu diễn, thế mà đã có rất nhiều bạn trẻ đến từ rất sớm để giữ chỗ, phần lớn là những người hâm mộ Lê Cát Trọng Lý. Khán giả hôm nay thậm chí còn đông hơn cả hôm khai mạc vào tuần trước.

 

Hà Nội đang vào đầu hè, nắng nóng oi ả. Nhưng không vì thế mà độ nhiệt tình của khán giả lại giảm sút. Mọi người vẫn ngồi quạt và chờ cho chương trình được bắt đầu.

 

Ở cà phê LUALA, nhạc sĩ Ngọc Đại đang ngồi nói chuyện với vợ chồng họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng và Võ Trân Châu (cháu gái của nhà văn, đạo diễn phim Đoàn Minh Phượng).

 

Nhiếp ảnh gia Đoàn Ngọc Bảo Plasma, một cái tên có tiếng trong giới nhiếp ảnh Hà Nội.

 

Họa sĩ Hoàng Thị Bích Liên (áo đen) luôn là khán giả trung thành với các mùa LUALA.

 

Chị Trâm Manzi (áo xanh, đeo kính – trước là chị Trâm “hội đồng Anh”) đang nói chuyện với ca sĩ Linh Dung. Linh Dung để tóc dài trông thật khác với lúc đóng trong phim “Chơi Vơi”.

 

Nhạc sĩ Ngọc Đại còn mang thêm một bộ loa đặt hướng về phía dưới khu vực café LUALA để khán giả ngồi đây được nghe rõ hơn.

 

Lê Cát Trọng Lý là một ca sĩ trẻ, bắt đầu nổi tiếng từ năm 2007. Vào thời điểm đó, với những ca khúc tự sáng tác, Lý là một hiện tượng mới lạ và hấp dẫn. Với các ngôn từ kì lạ và tài năng, tuy nghe hồn nhiên vô tư nhưng lại là từng trải, Lý khiến cho mọi người ngỡ ngàng. Cô còn được so sánh với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, từ lời ca cho đến cách biểu đạt. Đã rất lâu tôi không có dịp nghe và theo dõi những sáng tác mới của Lý. Không biết liệu Lê Cát Trọng Lý của năm 25 tuổi có những thay đổi gì so với Lý của năm 20 tuổi.

 

Nửa đầu chương trình là những nhạc phẩm trước kia đã gắn với tên tuổi của Lê Cát Trọng Lý, lần này được biểu diễn cùng violinist Xuân Trường, như: Mùa yêu (được viết năm 19 tuổi), Nghe tôi kể này, Lẩn thẩn, Nhiều người ôm giấc mơ, Thu lu, Nghèo… Lý rất dễ thương. Cô tâm sự đây là lần đầu được ra ngoài đường diễn, cô tiếc rằng thời tiết Hà Nội nóng bức mà cô lại chẳng có bài hát nào vui để hát cho khán giả nghe (cho đỡ nóng), toàn bài buồn không…

 

Riêng bài “Mộng Du” thì được chơi với cả band nhạc gồm có Xuân Trường (violinist), Ngô Hồng Quang (kèn môi) và Đức Minh (sáo). Tuần trước, Đức Minh cũng đã xuất hiện ở LUALA trong show của Trí Minh.

 

Có nhiều bạn trẻ hát theo những bài hát quen thuộc của Lý. Những bài hát này nằm trong hai album “Lê Cát Trọng Lý” và “Tuổi 25”.

 

Các tác phẩm này của Lý thuộc hai thời điểm khác nhau, đều có những vui buồn giận hờn, hồn nhiên, đáng yêu (ở tuổi 20), chiêm nghiệm cuộc đời, từng trải hơn và có những màu sắc âm nhạc khác (25 tuổi). Lý cũng chia sẻ đây là lần đầu tiên những ca khúc này được diễn trên phố, không phải trong một khán phòng.

 

Hai khán giả nhí có một chỗ ngồi rất ấm cúng, vừa ăn bim bim vừa thưởng thức cô Lý hát.

 

Mặc dù không phải nghe biểu diễn nhạc giao hưởng như mùa Thu Đông, nhưng khán giả nhạc nhẹ ở LUALA vẫn rất trật tự. Tôi luôn luôn ngạc nhiên trước ý thức cao của khán giả các chương trình này, không cần ai nhắc nhở, mọi thứ tự điều phối và ổn thỏa, còn hơn cả một số trung tâm văn hóa nghệ thuật công cộng như nhà hát, rạp chiếu phim… Tại sao lại thế nhỉ?

 

Một số khán giả thưởng thức từ trên cao.

 

Hôm nay, lực lượng nhiếp ảnh gia đông đảo hơn hẳn.

 

Các anh quay phim cũng hoạt động rất năng nổ nhiệt tình… Nhưng đôi khi có phần hơi thái quá.

 

Phần thứ hai của chương trình là một loạt những thử nghiệm âm nhạc mới của Trọng Lý kết hợp với Ngô Hồng Quang và Đức Minh. Bài đầu tiên là “Ru em” (dân ca Xê-đăng) song tấu Đức Minh (kèn môi) và Ngô Hồng Quang (đàn tre của người Tây Nguyên). Cây đàn được làm từ thân của một cây tre, nhạc công dẫm một chân lên gốc tre, một tay cầm vĩ kéo. Đàn này có hai hướng dây. Một hướng được mắc song song với thanh tre, một hướng thì được nhạc công ngậm vào để gây độ rung cho âm thanh (kiểu tiếng rung dây trong guitar). Đây là lần đầu tiên tôi được nghe âm thanh của đàn tre. Âm sắc rất khê và độ rung đặc biệt của đàn tre khiến cho ta cảm giác rất “hoang mang”, như rơi vào một trạng thái ảo giác vậy.

 

Sau đó là các bài: Hương lạc, Mông Cổ (bài này Trọng Lý tâm sự là tưởng tượng cùng Hồng Quang và Đức Minh cưỡi ngựa trên thảo nguyên). Đức Minh và Hồng Quang cùng chơi đàn môi, nhưng ở hai bè khác nhau, Lý đệm guitar. Tôi có cảm nhận được hình ảnh của thảo nguyên mênh mông, mùi cỏ non, đàn cừu cùng những giai điệu như đang phi nước kiệu trên đồng cỏ.

 

Cũng giống như nhiều bạn trẻ trong thời đại này, Lý cũng đi rất nhiều để chiêm nghiệm thực tế cuộc sống… Nhưng đặc biệt, quãng thời gian 1 năm làm việc với nghệ sĩ Nhất Lý, cùng sáng tác với các nghệ sĩ nhạc dân tộc, cái chất dân gian đã ngấm vào người Lê Cát Trọng Lý.

 

Chất dân gian mà du mục ấy rất rõ trong bài thứ tư là “Khèn Thái”, hát về vùng núi phía Bắc. Lý nói một câu tiếng Thái có trong bài, đại ý: “Anh ơi, em thương anh nhiều lắm… nhưng liệu có thương được mãi hay không?”. Một ca khúc rất thiết tha, lãng mạn và “đàn bà”, mặc dù là Lý sáng tác nhưng vẫn có sự e lệ đúng như trong những câu hát trao duyên của người phụ nữ miền núi. Bài này các đôi yêu nhau chắc sẽ đặc biệt thích đây, và tự dưng nghe xong thấy tiếng Thái thật lãng mạn và dễ thương.

 

Trong bài tiếp theo, Trọng Lý chơi một cây đàn mà cô cũng không biết tên là gì, dài như ống nứa, hai dây được căng dọc ống đàn. Thiết kế phím khiến liên tưởng đến kết cấu của đàn tranh. Lý gảy từng dây trên cây đàn này, âm thanh của nó vừa trong trẻo, nhưng buồn man mác, có nét hơi giống đàn tranh nhưng âm sắc thon gọn và giản dị hơn.

 

Bài này mới sáng tác nên Lý tạm đặt tên là “Nowhere”. Đức Minh chơi chiêng dây. Bộ chiêng dây này drummer Lê Quốc Hưng của Phù Sa Band cũng hay sử dụng để giả tiếng mõ ca trù. Riêng Đức Minh thì lại dùng để gảy tiếng dây. Trong “Nowhere”, lời hát không còn là ngôn ngữ thông thường nữa, Lý như đã vượt lên khỏi một nhạc sĩ sáng tác ca khúc. Cô không còn phụ thuộc quá vào lời ca và giai điệu. Cô đưa khán giả đến gần hơn “âm nhạc”.

 

Trong bài hát này, Ngô Hồng Quang chơi đàn hồ. Đây là một thử nghiệm mới nhất của Trọng Lý cùng Hồng Quang và Đức Minh về các âm sắc nhạc cụ dân tộc. Nhiều người gần như lần đầu tiên được thấy những nhạc cụ này. Trọng Lý rất dễ thương khi luôn hỏi: “Khán giả có nóng không ạ? Lý hát xong bài cuối rồi mọi người về nhà ăn cơm nha”.

 

Hai ca khúc cuối là “Ơi” và “Chuyến xe”. Những chất liệu âm nhạc dân tộc mới mang đậm tính “du ca” và những trải nghiệm hồn nhiên trong trẻo. Mặc dù là những thử nghiệm mới, nhưng các ca khúc vẫn cho thấy tính cách của một Lê Cát Trọng Lý hồn nhiên của ngày xưa. Và một điều đáng mừng là Trọng Lý không bị nhiễm thói sáo mòn của một số nhạc sĩ đàn anh đi trước là lấy âm nhạc dân tộc làm “gia vị” cho tác phẩm của mình. Nghe nhạc Trọng Lý, người ta thấy cô đã ra khỏi phòng trà, ra khỏi phòng diễn, thấy cuộc sống chảy đẹp đẽ và sống động quanh cô, trong nhạc của cô.

 

Kết thúc buổi diễn, Lê Cát Trọng Lý rất thân thiện giao lưu với khán giả. Rất nhiều bạn trẻ muốn chụp hình cùng cô.

 

Một cặp vợ chồng đi nghe nhạc Trọng Lý về, mua theo 1 CD Hanoi Love Story của Trí Minh và một quyển tạp chí Eco Life – là những ấn phẩm có bán tại quầy của LUALA.

 

Sau buổi diễn, nhạc sĩ Ngọc Đại có vài nhận xét: buổi diễn hôm nay của Lý là một thành công. Nhưng phần đầu với phần hai của buổi diễn là hoàn toàn khác nhau. Ta thấy rõ sự trưởng thành trong âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý, nó giống như một cuộc lột xác hoàn toàn. Giống như một cuộc cách mạng trong con người Trọng Lý vậy. Và đằng sau thành công đó, có lẽ một phần nhờ duyên số cho Trọng Lý gặp được nghệ sĩ Nhất Lý. Ông là người có vốn kiến thức sâu rộng về âm nhạc dân tộc, đặc biệt ông luôn biết tương tác với nghệ sĩ khi làm việc cùng, rất tôn trọng họ và vẫn để họ hoàn toàn độc lập. Nhạc sĩ Ngọc Đại nói, với điều kiện hiện tại, nếu Lê Cát Trọng Lý kiên trì hoạt động thì sẽ còn phát triển hơn nữa.

 

Khán giả đã có một chiều thứ Bảy vui vẻ với “Du ca” của Trọng Lý. Mọi người lại tiếp tục chờ đợi đến ngày mai với nhạc “Làng tôi” – đứa con tinh thần (mà lại là con cưng) của nghệ sĩ âm thanh Nhất Lý.

 

*

Bài liên quan:

– LUALA Concert Xuân hè 2013: đa dạng, mới mẻ, và thách thức 
– Thứ Bảy, tuần đầu tiên: Phù Sa Band tay chơi tái xuất. Đào Văn Trung nghệ sĩ trổ tài

– Chủ nhật, tuần đầu tiên: Khi đàn đáy của Xuân Hoạch không e dè nhạc điện tử của Trí Minh

– Thứ Bảy, tuần thứ 2: Vượt khỏi những khán phòng, nghe Lê Cát Trọng Lý hân hoan yêu cuộc sống

– Chủ nhật, tuần thứ 2 (phần 1): Ai, nhạc cụ nào có mặt ở Làng Tôi hôm qua?

– Chủ nhật, tuần thứ 2 (phần 2): Trong mưa rào, cả nghệ sĩ lẫn khán giả đều xuất sắc

– Thứ Bảy, tuần thứ 3 (phần 1): Điểm danh khán giả đi xem Phó An My

– Thứ Bảy, tuần thứ 3 (phần 2): Cứ thử đi An My. Quan trọng là dám thử.

– Chủ nhật, tuần cuối cùng: Xuất sắc bản giao hưởng viết bằng dòng máu của cải lương

 

Ý kiến - Thảo luận

10:12 Monday,29.4.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Hoàng Nghĩa
Tôi có nghe chị Lý hát rồi. Chị Lý hát hay, đáng nói là các sáng tác của chị thật đặc biệt.
Ai chẳng có tâm hồn, nhưng ở tuổi đời như chị mà đã có thể viết ra các bài hát như thế thì cũng đủ thấy tâm hồn của chị, suy nghĩ của chị nó đã chạm đ
...xem tiếp
10:12 Monday,29.4.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Hoàng Nghĩa
Tôi có nghe chị Lý hát rồi. Chị Lý hát hay, đáng nói là các sáng tác của chị thật đặc biệt.
Ai chẳng có tâm hồn, nhưng ở tuổi đời như chị mà đã có thể viết ra các bài hát như thế thì cũng đủ thấy tâm hồn của chị, suy nghĩ của chị nó đã chạm được đến các ngóc ngách sâu thẳm trong mỗi suy nghĩ, mỗi tâm hồn khác. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả