Nghệ sĩ Việt Nam

Này thì trẻ, này thì già 25. 03. 13 - 6:48 am

Đào Mai Trang

 

Lời mời…

Liên lạc với bạn Hoàng Duy Vàng để hỏi về buổi tọa đàm sáng thứ Sáu, 22. 3. 2013 của CLB Nghệ sĩ trẻ, nhân triển lãm Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì?, tôi khá rụt rè hỏi xem là tôi có thể đến nghe được không… Bạn ấy hồ hởi, “Ô, được chứ, đây là tọa đàm mở mà chị! Trân trọng mời chị!“. Về giờ giấc, bạn ấy cũng thật thà nói: giờ báo thì là 8:30 sáng nhưng “nghệ sĩ mà chị!” nên có lẽ phải 9h mới bắt đầu”.

9h hơn, vẫn vắng vẻ.

Vào họp…

Một lát sau, mọi người ổn định chỗ ngồi dần. Bàn chủ tọa gồm có bạn Vàng, chủ nhiệm CLB, chị Liên (Phó chủ nhiệm), họa sĩ Thành Chương (trưởng ban Kiểm tra của Hội), họa sĩ Bằng Lâm.

Có cả phóng viên quay phim, phỏng vấn của truyền hình Thông tấn xã Việt Nam ở đó, nghĩa là mọi chuyện công khai. Tôi cũng yên tâm ghi chép lại những ý kiến của tọa đàm này. Chỉ có điều là các ý kiến được xếp theo nhóm, thay vì theo trình tự thời gian.

Bạn Vàng có lời phát biểu đầu tiên về lý do của chương trình hôm nay. Đây là dịp để các nghệ si trẻ bàn luận, đưa ra các ý kiến về triển lãm, về đường hướng hoạt động của CLB, về hai triển lãm chuyên ngành điêu khắc và đồ họa tới đây của CLB. Hôm nay cũng là dịp mọi người tranh thủ đóng hội phí và đặc biệt, Hội sẽ trao tặng thưởng (cho 10 bạn) và 10 bạn khác được hỗ trợ kinh phí sáng tác. Với 49 sáng tác bày ở đây, mà có đến 20 sáng tác được tặng thưởng và hỗ trợ, vậy là vui nhiều rồi còn gì. “Nghĩ theo hướng tích cực”, đây quả là con số ấn tượng về chất lượng nghệ thuật của nghệ sĩ trẻ…

Bàn chủ tọa, từ trái sang: họa sĩ Bằng Lâm, chị Liên, bạn Vàng, họa sĩ Thành Chương, ông Lê Quốc Bảo, bàn góc bên phải là họa sĩ Lê Trí Dũng và họa sĩ Lê Trọng Lân.

 

Các cây đại thụ phát biểu

Phát biểu đầu tiên là của ông Lê Quốc Bảo, cây viết lâu năm (có lẽ là nhất nước) về mỹ thuật. Ông cho rằng: CLB nghệ sĩ trẻ được ưu ái nhất trong các CLB của Hội, một năm được Hội tổ chức cho triền lãm không chỉ một lần, lại còn có tặng thưởng và hỗ trợ kinh phí sáng tác nữa. Theo ông, nếu không tin, các bạn cứ về địa phương mà tìm hiểu, ở đó, nghệ sĩ trẻ muốn làm triển lãm thì đều phải tự làm, tự tiền túi hết. Ông nhấn mạnh các nghệ sĩ trẻ đây chính là lực lượng kế cận của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ông Lê Quốc Bảo phát biểu rất nhiệt tình, tuy ông đã ngoài 80…

Đến lượt ông Bằng Lâm. Ông nhận xét, triển lãm là thành công, các nghệ sĩ trẻ được tự do sáng tạo. Ông so sánh, thời của ông (chắc giờ là lúc ông nhìn và ngẫm lại), vẽ tranh chỉ mang tính chất “hô hào, chỉ là minh họa”, vẽ về chiến tranh thì “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”… Vì thế, nghệ thuật “xơ cứng, không bộc lộ được tình cảm con người”. Ông còn kể chuyện, với người làm chứng là ông Lê Quốc Bảo, rằng có một triển lãm ở “thời trước”, hội đồng còn nhìn thấy rõ là bức tranh của họa sĩ Kim Bạch “rất có thể bị hạ xuống” vì bức tranh đó được vẽ “rất tình cảm, rất con người, rất nhiều suy tư về sự đau thương, mất mát” bởi chiến tranh… Chính vì thế, ông thấy ở triển lãm này, các nghệ sĩ trẻ đã “đổi mới quyết liệt”. Ông khẳng định mình đã xem triển lãm rất kỹ trước khi viết bài giới thiệu, chứ không như trang Soi nói, ý là ông không xem mà viết. Về nghệ thuật, theo ông, triển lãm này chỉ có một số bức tranh mang “cái nhìn cuối thế kỷ XIX” thôi (nhưng tiếc là ông lại không chỉ rõ tranh nào), còn lại thì đều mới mẻ, táo bạo. Ông, một lần nữa, chúc triển lãm thành công.

Họa sĩ Bằng Lâm

Rồi bạn Vàng mời họa sĩ Thành Chương có ý kiến. Ông nói ông đến đây vì “chỉ muốn nghe các bạn nói mọi suy nghĩ của mình”, nhưng ông thấy “các bạn còn có một chút gì đó e dè”. Ông đề nghị mọi người hãy “nói toạc móng heo ra, ở đây không có bất cứ một cái rào cản nào và mục đích cuối cùng của tọa đàm là mọi người hãy nói hết để thoải mái trong tinh thần, trong tình cảm của mình, giúp cho sáng tác về sau được tốt nhất”. Đề cập đến trang Soi, tiếp theo ý của bạn Chinh, ông Chương cho rằng Soi “không phải là kim chỉ nam, là duy nhất đúng”. Ông lấy bản thân làm ví dụ: nếu cứ ngại và suy nghĩ về các ý kiến của dư luận thì ông “phải chết 1.000 lần rồi chứ không còn được ngồi đây cùng mọi người nữa”. Ông tiếp tục cho rằng với những triển lãm mà Soi “đề cao, cho rằng là nghệ thuật đích thực, rất đông người xem” thì ông cũng từng đến xem, thấy “có mà cả ngày ở đó cũng chẳng có ai” (ngoài ông?). Ông kết luận: Soi nhiều lúc cũng “xuyên tạc, bịa đặt linh tinh để đạt được mục đích của họ thôi”.

Ông Thành Chương đang phát biểu, chiếc Ipad của ông được dựng trước mặt.

Tiếp theo, ông Thành Chương có gợi ý anh em đừng nên phân vân, trăn trở quá mức về thế nào là tranh nghệ thuật, thế nào là tranh thị trường vì dễ dẫn đến tình trạng nhập nhằng, cùng là cái tranh ấy, lúc bán được thì bảo là tranh thị trường, lúc không bán được thì lại bảo là tranh nghệ thuật. Theo ông, nghệ sĩ cứ làm việc hết sức mình, với tâm trạng thật “phớ lớ” là tốt nhất. Ông so sánh: bây giờ, các bạn trẻ rất sướng, sướng về mọi mặt: kinh tế phát triển, họa phẩm phong phú, chứ thời của ông, ai mà có tuýp sơn xịn là chỉ dám mời bạn nghệ thân thiết đến và “chỉ đến để “ngửi” mùi sơn mà thôi” (phải chăng, ý là nghèo mà nên không thể chia sẻ sơn, chỉ chia sẻ mùi đã đủ ngất ngây sung sướng rồi?); tư tưởng tình cảm thì được tự do thể hiện, chứ thời trước, như ông mới chỉ vẽ tập tọng theo Van Gogh thôi là đã phải “đi học tập” rồi. Theo ông, rào cản duy nhất nếu có chỉ là “rào cản trong chính các bạn”.

Về triển lãm, ông Thành Chương nói ông phải suy nghĩ một điều: thấy triển lãm hơi nặng nề, hơi già, đúng là triển lãm thì thể hiện suy nghĩ của các bạn thôi nhưng ở đó còn nhiều “băn khoăn, đắn đo rằng phải vẽ gì, vẽ thế nào”. Vì thế, theo ông là không nên, mà phải thích gì vẽ nấy. Ông kết thúc bằng ý: các bạn chính là hy vọng, là tương lai của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Đến phần phát biểu của bác Tô Ngọc Thành, con trai của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bác cảm ơn triển lãm, ở đây có rất nhiều tác phẩm “rất hay, rất đẹp, rất quý”. Chúng cho bác biết về thế giới, về xã hội đang như thế nào vì bác già rồi, lạc hậu rồi, không dễ cập nhật tình hình. Bác Thành chỉ có “lăn tăn một chút thôi” về “tính dân tộc” (trong triển lãm này?) và bác mong các bạn suy nghĩ về điều đó. Bác cho rằng các bạn trẻ giờ có môi trường làm nghệ thuật hơn xưa, lại đang ở thời điểm mà “người ta cần nghệ thuật hơn bao giờ hết”; vì thế, các bạn thật may mắn, nên hãy xông xáo, tiếp thu các tinh hoa thế giới…

Họa sĩ Tô Ngọc Thành

Họa sĩ Lê Trọng Lân – chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ngành Hội họa của Hội, thật điềm đạm. Đầu tiên, bác đề cập đến tên triển lãm. Theo bác, cái tên ấy bộc lộ nhiều triển vọng lớn lao quá nhưng phải chăng, nó “không tải nổi thực chất” của triển lãm. Bác có một băn khoăn: “Có phải đây là đại diện của họa sĩ trẻ không?” Bác gợi ý “các bạn cũng nên suy nghĩ đến điều này: nghệ thuật phản ánh được tâm trạng của mình nhưng đồng thời cũng cần phải có được dự cảm xã hội. Mà người trẻ thì nhạy cảm với xã hội, thời cuộc hơn người già, thế cho nên cái dự cảm kia càng dễ dàng có được. Có thể mặt nghề nghiệp chưa chuẩn mực, song cảm xúc và khát vọng về xã hội hẳn là phải có chứ. Bác tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Xã hội, đất nước ta đang có rất nhiều vấn đề lớn như vậy nhưng chúng ta (ý là các nghệ sĩ trẻ) chỉ nghĩ được thế này thôi sao?”. Bác cho rằng không nên chỉ dùng nghệ thuật để nói vấn đề của riêng cá nhân mình mà còn nên dùng nghệ thuật để nói những vấn đề lớn lao hơn của đất nước, xã hội… Bác Lân ví dụ về nhiều họa sĩ thời trước, khi còn rất trẻ, đã làm được vậy và theo bác, đó là vì họ có ý tưởng và có lý tưởng nghệ thuật, lý tưởng xã hội.

“Giấc mơ hồng”, Vũ Phạm Trường Minh, acrylic, 95 x 80cm.


Các họa sĩ trẻ đề xuất

Bạn Vàng tiếp tục mời các nghệ sĩ trẻ đóng góp ý kiến. Bạn bảo “Hội đang muốn lắng nghe tiếng nói của trẻ, đang tạo điều kiện cho các bạn trao đổi”, mình cứ thẳng thắn nói với nhau những gì mình nghĩ. Người hưởng ứng đầu tiên là nữ họa sĩ Lê Minh Tâm. Chị đề cập đến những ý kiến cho là sốc, là không chấp nhận tranh vẽ về sex, về tiền. Theo chị, (cần, hay nên) chấp nhận dạng tranh đó, “hãy coi nó là bình thường, có thể họa sĩ vẽ chưa đẹp, chưa hay, thì rồi sẽ đẹp, sẽ hay”. Theo chị, nếu nhìn một cách tích cực thì triển lãm này là hay, tay nghề của họa sĩ ngày một phát triển, đa dạng về trường phái. Chị đã tham gia triển lãm này lần thứ ba, thấy triển lãm mỗi lần đều tốt hơn, đẹp hơn lần trước. Chị “không thấy vấn đề gì” ở đây cả. Vì thế, theo chị, đừng có “chụp mũ”, nếu ai đó chỉ nghĩ là “CLB của anh Vàng vẽ toàn không ra gì thì không tham gia” thì làm sao “chúng tôi có cơ hội biết các bạn vẽ gì, vẽ hay, vẽ đẹp như thế nào…”.

Chị Lê Minh Tâm (tóc dài), thứ ba, từ trái sang.

 

“8 – 3”, Lê Minh Tâm, sơn dầu, 150 x 100 cm.

Một người khác tên là Văn Hoài Thanh, nói từng tham gia CLB họa sĩ trẻ TP. HCM, phát biểu khá dài dòng và nhiều vấn đề. Tựu chung lại, anh có mấy ý chính như sau:

– Thứ nhất, CLB phải có nhiều hoạt động hơn, chứ cứ hàng năm một định kỳ triển lãm thế này thì không sớm thì muộn cũng sẽ rã như CLB mà anh từng tham gia.

– Thứ hai, “Nếu thực chất là trẻ thì phải chủ động, không thể dựa vào Hội cả về tài chính, tổ chức mãi được. Để làm được vậy, theo anh là phải có “sự đồng sức” của mọi người trong CLB.

– Thứ ba, phải tìm được tài trợ từ các doanh nhân, các tập đoàn kinh tế. Anh ví dụ, mình có thể “nhường” cái tên Hội Mỹ thuật một chút cho hãng tài trợ, chấp nhận lấy tên họ để làm tên triển lãm hoặc giải thưởng, nhưng đổi lại, mình có thể có được một triển lãm lớn, xứng đáng là “sự kiện triển lãm văn hóa của đất nước”.

“Vòng xoáy dục vọng”, Nguyễn Khắc Chinh, sơn dầu, 190 x 211 cm

Bạn Vàng đã trả lời anh ngay, đại ý: CLB rất tích cực và chủ động. Ngoài triển lãm hàng năm vào dịp tháng 3 này, còn có các triển lãm chuyên ngành, trại sáng tác, buổi nói chuyện với chuyên gia, rồi xem phim liên quan. Về tìm nguồn đầu tư, CLB đã từng tìm được tài trợ của CDEF năm 2010 với triển lãm Năng lượng; năm nay, CLB cùng các bạn ở Huế tiếp tục được CDEF tài trợ cho triển lãm Năng lượng cố đô với sự tham gia của nghệ sĩ 17 tỉnh thành. Đặc biệt, bạn nhấn mạnh về mối quan hệ tốt đẹp giữa CLB với Mai galley. Theo bạn, chuyện họ kinh doanh thế nào là chuyện của họ, nhưng giữa “thời buổi khó khăn như thế này” mà từ năm ngoái, Mai đã hỗ trợ CLB hoặc những cá nhân thuộc CLB tổ chức nhiều triển lãm như vậy, rồi cả năm 2013 nay, Mai cũng vẫn tiếp tục sẵn sàng đồng hành cùng CLB, là điều rất đáng quý, không phải gallery hay CLB nghệ sĩ nào cũng có thể làm được.

 
Nguyễn Khắc Chinh vs Lê Quốc Bảo

Tiếp sau bạn Vàng, bạn Nguyễn Khắc Chinh giơ tay phát biểu với một số ý kiến và đề xuất lên Hội, bạn đề nghị mọi người lắng nghe (thực ra, một số bạn ngồi dự đây cũng có nói chuyện thầm thào riêng tư). Theo bạn Chinh, Hội và CLB rất cởi mở, khuyến khích mọi người nói lên tiếng nói của mình. Vì thế chăng, mà bạn đề cập đến bài viết trên Soi với một cảm xúc, mà tôi nghĩ là khá gay gắt. Bạn “băn khoăn” cho rằng bài viết đó là “ném đá” với thái độ cá nhân. Bài viết đó với ý đồ xấu hay tích cực thì “mọi người đọc sẽ biết”, còn bạn cho rằng nó có ý “tiêu cực cá nhân”. Bạn nhắc lại đó là “ném đá giấu mặt”. Bạn nhận mình đã được đi nước ngoài nên thấy là “nói chung, tranh của mình (ý là tranh của triển lãm này) cũng tốt”. Chỉ có điều, bạn thấy nhiều bức tranh vẫn còn thiếu sự hoàn thiện của một tác phẩm, trong đó có cả sự thiếu hoàn thiện về kỹ thuật và một cái gì nữa mà tôi không nghe rõ.

Bạn Chinh

Tiếp đến phần đề xuất, bạn Chinh “rất mong được Hội xem xét” đề xuất này: đó là có giải thưởng trong một triển lãm như thế này để khuyến khích nghệ sĩ trẻ. Theo bạn, nghệ sĩ trẻ rất trân trọng những giải thưởng như vậy và đó là động lực cho họ tiếp tục sáng tạo. Theo bạn, giải đó có thể là tiền, có thể là tài trợ “bao nhiêu suất đi thực tế sáng tác” và cũng chẳng hết bao nhiêu tiền nên Hội hoàn toàn có thể làm được.

Ông Lê Quốc Bảo xin thêm hai phút nêu ý kiến nhân đề xuất của bạn Chinh. Ông bảo CLB này cũng phải hoạt động trong hệ thống chung của các CLB trực thuộc hội, họ (các CLB khác) có gì ta có nấy chứ không được “đòi” phải có giải thưởng. Ông nhấn mạnh, chưa bao giờ, CLB trẻ được như thế này, “chúng em tổ chức cho các anh các chị thường xuyên các triển lãm và trại sáng tác, thế là OK lắm rồi, về các địa phương mà xem họ thèm khát được như các anh các chị ở đây ra sao”…

Ông Bảo và bạn Chinh trong lúc đôi co.

Ngay khi ông dừng lời, bạn Chinh càng không giấu được chút bức xúc. Theo bạn, đề xuất này là vì cái chung, khuyến khích và tạo tình yêu cho người trẻ để họ vào Hội, họ là tiền thân của Hội, thúc đẩy tinh thần hoạt động của CLB chứ bạn không có ý bảo “Hội phải thế này, thế kia”, bạn “không ép, không đòi”. Còn nếu không cho nói thì “tổ chức (tọa đàm này) làm gì và tại sao “bác lại nói thế?”. Ông Bảo chuyển chỗ đến cạnh bạn Chinh, tranh luận tay đôi gay gắt hơn. Mọi người ngơ ngác không hiểu sao sự vụ lại đến mức vậy. Chị Mai Ngọc Oanh, cán bộ của Hội và bạn Vàng ra dấu chuyển micro đến chỗ tôi. Tôi thì càng ngơ ngác hơn vì không hiểu lại có chuyện gì đến với mình…

 
Tôi vs Lê Minh Tâm, thêm bạn Vũ Đức Toàn “nói vậy mà không phải vậy”…

Sau khi chấm dứt được vụ cãi nhau tay đôi này, Vàng đề nghị tôi, với tư cách là một nhà báo yêu mỹ thuật, có ý kiến về triển lãm. Tôi nói thành thực là tôi đến đây chỉ với mong muốn được nghe một tọa đàm của các nghệ sĩ trẻ về nghệ thuật của họ, về các vấn đề chuyên môn mà họ có thể cùng bàn luận, chia sẻ với nhau thôi. Nhưng từ đầu đến giờ, tôi chưa được nghe các ý kiến như thế, nên tôi thấy tiếc, và thấy CLB “già già” sao đó. Thêm vào đó, ở góc độ của một làm người truyền thông, tôi thấy rằng từ bấy đến giờ, các ý kiến tập trung vào bài viết trên Soi ghê quá. Có nhất thiết phải bức xúc đến vậy không? Tôi thỉnh thoảng cũng có viết cho Soi, có đọc Soi nhưng tôi thì chỉ thấy Soi là trang web không hề có tính định hướng hay đại diện chính thống gì. Soi chỉ là một nơi để người thích mỹ thuật có thể tìm hiểu thông tin và bàn luận.

Bạn Vàng nhất thiết muốn tôi phải nói gì đó về triển lãm. Tôi đành phải nói hai ý: thứ nhất, nên có những cân nhắc lại về cách thức trưng bày, cách mi tranh, bày tượng, cũng nên có thêm thông tin tiếng Anh ở bảng tên tranh hoặc tờ rơi cho khách nước ngoài tìm hiểu thêm. Tôi có đến triển lãm trước đó và thấy khách nước ngoài có vẻ lúng túng vì ít thông tin quá. Thứ nữa, cũng nên có cân nhắc lại về sự kết nối giữa tên tranh và tác phẩm, tôi ví dụ bức có tên Đất Việt, hoặc về chất lượng kỹ thuật của tranh, tôi ví dụ bức Dòng thời gian là một bức sơn mài có kỹ thuật kém, từ màu sắc cho đến cách tạo hình nhân vật…

“Đất Việt”, Dương Ngọc Sơn, acrylic, 70 x 70 cm

Bạn Vũ Đức Toàn, ngồi ngay cạnh tôi ngay lập tức phát biểu. Bạn ấy có ý kiến khác của tôi rằng bức Dòng thời gian là bức đẹp. Có những họa sĩ cho thấy phong độ ổn định như tranh của Phạm Tuấn Tú. Theo bạn, nhiều bức trong triển lãm này có chất lượng nhưng “không phải cao” thôi. Và bạn muốn nghe ý kiến chuyên môn của họa sĩ Lê Trọng Lân – chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ngành Hội họa của Hội.

“Dòng thời gian”, Chu Viết Cường, sơn mài, 100 x 155 cm

Bác Nguyễn Đỗ Bảo được mời lên phát biểu nhưng thú thực là tôi không thể tường thuật lại được vì bác nói lan man qua nhiều chuyện xa xôi quá… Nhân lúc bác Bảo đang nói, tôi quay qua hỏi thầm Toàn là bức Dòng thời gian đẹp ở điểm nào, bạn ấy cười rất ý vị: “Em thấy bức đó còn dễ xem hơn cả ở trong triển lãm này… Thôi chị đợi bài viết của em về triển lãm này và triển lãm Năng lượng cố đô, thêm cả triển lãm ở trường Mỹ thuật tới đây nữa. Em đăng ký bài ở tạp chí của chị số tháng 5- 2013”. Tôi hỏi Toàn sao lúc nãy không nói thật. Bạn ấy lại cười khì khì… Sau ý kiến của bác Bảo, Toàn thấy nên phải đi về và chúc tôi “ở lại công tác tốt”. Bạn này thật hóm!

Bạn Vàng lại một lần nữa “mời các anh em trẻ” tiếp tục có ý kiến vì đây là tọa đàm của họ. Cũng có đến chừng 30 bạn trẻ ở đây chứ không ít. Chị Lê Minh Tâm lại muốn có ý kiến “nhân ý kiến của bạn Trang”. Chị thấy rằng triển lãm tốt hơn, đẹp hơn, như vậy là tốt rồi chứ “chúng tôi còn trẻ, chứ đã già đâu mà không tiếp tục phát triển, thay đổi”, còn cứ mong “có tuyệt tác thì ai có tuyệt tác, hãy mang đến đây mà triển lãm”. Giọng của chị bắt đâu gay gắt hơn chút xíu khi đề cập đến ý của tôi là mong được nghe các trao đổi về chuyên môn. Theo chị, các nghệ sĩ mang sáng tác đến đây, ngắm nhìn sáng tác của nhau và ai có chuyên môn, ai có trình độ thì tự khắc biết được. Chị cho rằng “chúng tôi không có nghĩa vụ phải nói cho bạn biết chúng tôi đang nghĩ gì, làm gì, vẽ như thế nào, chúng tôi đang điên trong sáng tác ra sao”… Tôi ngại quá, nào mình có ý đó đâu cơ chứ. Đành phải cười xin ngắt lời chị Tâm, nói cho rõ là mình chỉ mong được nghe các trao đổi, luận bàn của mọi người với nhau thôi.

“Giai đoạn thứ nhất”, Lê Duy Đạt, acrylic, 110 x 160 cm

 
Bạn Vàng tiếp lời tôi (có lẽ vì muốn giảm tone của chị Tâm, tôi đoán vậy). Vàng trả lời ý của tôi: thứ nhất, không có tiếng Anh là vì “tự tôn dân tộc” (một số người vỗ tay). Bạn cho rằng khách xem tranh tượng thì tranh tượng là chính, là quan trọng nhất. Có khách, nhất là khách nước ngoài cần gì, như cần mua bán chẳng hạn, thì có nhân viên nhà triển lãm lúc nào cũng túc trực ở đây đáp ứng. Bạn khẳng định tranh bày ở đây lúc nào cũng bán được. Tôi cười xòa thôi, không biết nói gì thêm nữa. Còn về vụ trưng bày, cụ thể là việc “dán tấm phiếu lên tượng” thì bạn ấy giải thích: BTC đã làm hết sức rồi nhưng cái này là do “ý thức của nghệ sĩ nữa”. Bạn kể: Tấm phiếu đó được dán ở tượng ngay từ ban đầu. BTC đã nhiều lần “gỡ ra và giấu tờ phiếu đó” ở chỗ này, chỗ kia nhưng nghệ sĩ lại tìm được và dán lên. BTC thì không thể lúc nào cũng túc trực để giải quyết việc đó… Theo bạn, đó cũng là một bài học.

Một bạn rất cao, từ phía sau tôi đi lên muốn phát biểu chỉ một câu: “Nghệ thuật tối thượng là vô ngã còn vô ngã như thế nào thì tùy mỗi người nhận biết”. Bạn ấy là ai nhỉ, tôi rất tò mò, vì trẻ thật trẻ mà nói cái câu thật mang tính thiền làm sao. Mà bạn ấy còn không ngồi để nói cho đàng hoàng cơ, mặc dù có đến mấy người lao xao bảo “ngồi xuống hãy nói”. Nói xong, bạn ấy về chỗ luôn.

 

Về sau, trong lúc chờ bạn đến đón, tôi thấy bạn ấy vác bức tranh dưới đây đi ra khỏi nhà triển lãm. Sau tọa đàm, triển lãm kết thúc luôn mà.

“Luân hồi”, Phạm Quốc Tuấn, lụa, 80 x 90 cm

Kết thúc

Bạn Vàng tiếp tục mời mọi người phát biểu, nhưng chị Tâm lên tiếng là đã đủ rồi. Bạn Vàng nói vậy để mời chị Liên lên đọc các thông tin về Quỹ của CLB. Sau khi đọc xong, chị ấy kêu gọi mọi người nhiệt tình đóng lệ phí Hội viên để có quỹ hoạt động. Lệ phí là 60 nghìn đồng/năm….

Mọi người vỗ tay kết thúc tọa đàm, lúc này khoảng 11h 15. Một số người lên đóng tiền Hội phí. Chị Mai Ngọc Oanh cứ nhìn tôi cười, với ý rất cảm thông. Bạn Vàng lại ra bắt tay cảm ơn và nói ý là còn nhiều vấn đề, nhiều hiểu lầm lắm, và khẳng định “luôn luôn là vậy, chị ạ”. Thì thực ra, đời luôn vậy mà… Tôi xuống tầng 1, vừa chờ bạn vừa tranh thủ xem lại một số tranh trong lúc một số khác đang được nghệ sĩ hạ xuống, đóng gói mang đi. Tôi nhìn thấy bức tượng này, vốn bày trên tầng 2, được để ở đây tự khi nào…

Nó cứ ở đó mãi cho đến khi tôi đi, lúc 11h40…

 

Một số sáng tác khác trong triển lãm này:

“Long Biên chiều hạ”, Hoàng Xuân Hưng, acrylic, 100 x 100 cm

 

“Ngóng”, Hà Huy Mười, acrylic, 40 x 100 cm

 

“Con công”, Thái Nhật Minh, nhựa và acrylic, chiều cao 60 cm

 

“Cộng sinh”, Lê Thị Tơ, sắt hàn, 35 x 65 cm

 

“Tôi. Một mình”, Mai Đại Lưu, sơn dầu, 160 x 160 cm

 

“Phong cảnh”, Tạ Quảng, 80 x 60 cm

 

“Chuối rừng”, Đỗ Ngọc Quân, gò đồng, 60 x 90 cm

 

*

Bài liên quan:

– “Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì?” không có chi lạ. Lạ với những gì Kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy ngợi ca. 
– Họa sĩ trẻ nghĩ gì? Người xem nghĩ gì? Không việc gì phải xoắn!

– Này thì trẻ, này thì già

– Ổn rồi, chỉ cần bình tĩnh hơn và bớt “xù lông”

– Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì, trên con đường nghệ thuật họ biết và hiểu hơn ai hết
 
– Tôi đã nhìn thấy “quan cốt cách” ở anh Duy Vàng
 
– Thư gửi họa sỹ trẻ

 

Ý kiến - Thảo luận

6:39 Friday,29.3.2013 Đăng bởi:  admin

Đề nghị các bạn, khen thì không sao, nhưng nếu chê tác phẩm thì nên có phân tích, lập luận. Đừng vào quăng một câu tiêu cực rồi bỏ đi luôn, như vậy e là không công bằng với triển lãm.


Cảm ơn các bạn


...xem tiếp
6:39 Friday,29.3.2013 Đăng bởi:  admin

Đề nghị các bạn, khen thì không sao, nhưng nếu chê tác phẩm thì nên có phân tích, lập luận. Đừng vào quăng một câu tiêu cực rồi bỏ đi luôn, như vậy e là không công bằng với triển lãm.


Cảm ơn các bạn

 
9:02 Tuesday,26.3.2013 Đăng bởi:  Cu Tễu

Một thành công rực rỡ của Triển lãm này là, dù như Soi chẳng hạn, bị "đánh" vài roi đuổi ruồi, nhưng không Cụ nào áp đặt các ý kiến chỉ đạo.


...xem tiếp
9:02 Tuesday,26.3.2013 Đăng bởi:  Cu Tễu

Một thành công rực rỡ của Triển lãm này là, dù như Soi chẳng hạn, bị "đánh" vài roi đuổi ruồi, nhưng không Cụ nào áp đặt các ý kiến chỉ đạo.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả