Gẫm & Bình

Phê bình mỹ thuật: là bạn hay là
kẻ quấy nhiễu? 11. 03. 13 - 7:07 am

Họa sĩ Nguyễn Gia Hòa

 

Phương Tây có câu cửa miệng “Văn tức là Người” (Le style c’est l’homme). Việt Nam ta có câu “Người làm sao của chiêm bao làm vậy”. Nhưng cái gì cần ưu tiên? Đọc tác phẩm trước hay đọc “người” trước? Không phải cứ biết Picasso có nhiều vợ, tất suy ra nguyên nhân sự đa dạng phong cách của nhiều tác phẩm mà ông đã vẽ.

Mặc dù đã nói là tôi không phải là nhà phê bình, chắc chắn có người đọc kiểu phân tích của tôi sẽ tự nhủ: đây là kiểu phê bình cơ giới (Mécanique – kiểu phê bình vận dụng các nguyên lý một cách máy móc, cứng nhắc, mổ xẻ quá có khi giết chết cảm xúc về tác phẩm). Thà thế còn hơn cách phê bình tư biện (suy lý riêng – đôi lúc suy nhiều, lý ít) và phê bình đầu cơ (tư biện, đầu cơ là hai nghĩa của từ spéculation). Kiểu phê bình này hàm chứa sự vô bổ, có khi còn dẫn đến thảm họa sai lầm lâu dài về nhận thức (nếu nhà phê bình có “uy tín”) cho số đông. Dĩ nhiên, trong số đông này ta loại trừ những người không thích đọc, hay không đọc được ngôn ngữ tác phẩm đó.

Xin đưa ra một ví dụ:
Có bà người Pháp, tên tắt là G.V đã viết “Picasso là một tên điên, hoặc một kẻ toan tính đầu cơ trên sự dại dột của nhân loại”. (Xin trích nguyên văn: “Picasso est un fou, ou un calculateur Spéculant sur la Bêtise humaine”                           

Mme G.V… Lyon)

Tôi không tin lắm vào một nhà phê bình – dù thông tuệ đến mấy – khi chỉ liếc qua một tác phẩm hữu hình, lại bay ngay đến được một nhận thức vô hình, nhất là khi ông ta lại biểu lộ sự thông tuệ đó qua văn tả cảnh sơ sài cái vỏ.

Tôi nghĩ, nhiệm vụ phê bình cần đáp ứng được ít nhiều vài điều sau:

1. Giúp độc giả đọc được ngôn ngữ tác phẩm, không phải bắt đọc vốn liếng ngôn ngữ văn chương của người phê bình. Phân tích ngôn ngữ tác phẩm trước hết, rồi sau hãy tán về tình cảm, tâm lý học, nội dung tư tưởng v.v… Nhà phê bình phải dõng dạc: “Tôi xem cái anh làm, khoan nghe cái anh nói”. (Phan Cẩm Thượng: “Tôi không thích phụ thuộc vào suy nghĩ của họa sỹ mà viết ra phê bình…”).

Độc giả đọc được ngôn ngữ tác phẩm, có khi tự rút ra phần còn lại – thậm chí có lúc hay hơn nhà phê bình.

2. Nhà phê bình đọc được ngôn ngữ tác phẩm (dù còn ít và ở mức a, b, c) thì cũng giúp người xem tiệm cận giá trị tác phẩm, qua đó phần nào là giá trị đúng của tác giả. Không làm rõ điều này thì đừng nên viết. Không nên tạo ra hình ảnh 100 ông nhang nhác giống nhau, ông nào cũng giỏi cả!

3. Nhà phê bình nghiêm túc, có trình độ, có thể giúp phát hiện ra tác giả tiềm năng (cũng có nhiều bài phê bình đề cập vấn đề này, nhưng luôn luôn kết luận chung chung, có tính chất “chờ mở kết quả xổ số” như: Hy vọng rằng, mong sẽ, chúng ta sẽ chờ xem v.v… Nhà phê bình có mắt xanh sẽ cổ vũ cho xu hướng mới, hoặc tiên đoán được một sự phát triển tương lai của cả một nền nghệ thuật. Phê bình không chạy theo, nó đứng ngang hay đi trước một tác giả, một cộng đồng nghệ thuật. Điều này, phê bình phương Tây hình như đã làm được. Phê bình Việt Nam nếu có phải chạy theo một cái gì thì… chắc còn ở ngoài biên giới!

Phê bình đúng đắn sẽ là bạn hay thầy của người sáng tác, người thưởng thức. Nếu không, nó chỉ là sự quấy nhiễu mất thì giờ.

Nhiệm vụ của phê bình là làm rõ diện mạo của một hay nhiều tác giả, làm rõ diện mạo một nền nghệ thuật. Đó là câu trả lời: Phê bình để làm gì? – theo thiển ý của tôi.

 

 

Các bệnh của phê bình

Vẫn biết phân tích tranh, tượng không đồng nghĩa đã là phê bình nghệ thuật, nhưng phê bình nghệ thuật chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là một bài điểm sách. Không chú trọng thỏa đáng công đoạn phân tích, e rằng chỉ có những bài phê bình nặng về mô tả đề tài, cộng với sự lấp liếm bởi những từ ngữ chung chung như: Lối vẽ chắc khỏe, bút pháp dào dạt, phóng túng, thổi hồn vào ký ức tuổi thơ miên viễn v.v…

Viết như một cách cho xong chuyện, hỏi rằng phê bình ích lợi ở đâu?

Qua vài bài phê bình đã dẫn, tôi đã nhận diện tạm rõ mấy đặc trưng của lối phê bình TÁN. Đó là TÁN a dua, TÁN xã giao, TÁN ẩu tả, TÁN văn chương, TÁN kiểu “bùa chú – dọa MA”.

Không biết sau này còn kiểu TÁN gì đây?

Nguyên nhân bệnh:

Nhìn còn thiển cận, tôi thấy mấy nguyên nhân sau:

1. Viết vì a dua, viết để xã giao, lấy lòng (nguyên nhân gây bệnh nặng nhất), viết trên cơ sở tưởng tượng ẩu tả (đã nói ở trên).

2. Viết cho xong chuyện vì lười. Công thức quen thuộc là: Quan sát qua quýt + vốn văn chương có sẵn + kết luận tùy hứng. Kết luận này thường bằng một thứ “Mật ngôn” kiểu như Hào sảng, Ma mị, Huyền bí (về từ này, tôi sẽ có bài sau) – dán bùa vào nắp lọ để đóng lại (kiểu Salomon) độc giả không tài nào mở ra được nữa. Có phải ai cũng biết “Vừng ơi! Mở cửa ra”.

3. Do dị ứng với khoa học

Người sáng tác sợ khoa học quá sẽ giết chết cảm xúc. Điều lạ là người phê bình có vẻ cũng lảng tránh.

Chúng ta nên nghĩ lại, nhất là ai thích nghệ thuật hiện đại. Những ý kiến phổ biến đầu thế kỷ 20, kiểu “Giải phóng họa sỹ khỏi tự nhiên”, “Tôi vẽ theo cái nghĩ, không phải theo cái nhìn” dễ làm nhiều người nhầm lẫn, hiểu “nội tâm là tất cả” một cách siêu hình. Khoa học nói chung đã hỗ trợ ta “nhìn – nhận thức” vào bản chất sự vật. Nghĩ tức là nhìn vào sâu bên trong sự vật, không phải cái vỏ. Nghệ thuật hiện đại đã thể hiện được tinh thần của cái nhìn đó, một cách trực tiếp hơn. Nghệ thuật trừu tượng càng rõ nữa.

Bạn có thể phản bác: các nghệ sỹ hiện đại cảm thấy, nhìn thấy vậy! Đúng rồi! Nhưng cái cảm không ở dưới đất mọc lên, nó có điều kiện cả đấy. Nó là hệ quả âm thầm của nhiều mặt nhận thức. Cảm xúc là nhận thức đã được thăng hoa (câu nói đã mòn).

Bạn là người say mê vẻ đẹp hình khối, đường nét (nếu không, bạn đã không làm nghệ thuật), vậy mời bạn thử qua vài trắc nghiệm bởi các câu tự hỏi sau:

– Sức căng bề mặt, đường sức là ở đâu ra? Vật lý.

– Một sơ đồ biểu diễn đường đi rất đẹp của một hạt dưới kính hiển vi hay trong máy gia tốc, được vẽ tay hay vẽ máy tính có làm bạn xúc động không? Nếu có, ai cung cấp chúng nhỉ? Các nhà khoa học.

– Họa sỹ trừu tượng G. Mathieu có chịu ảnh hưởng gì từ những biểu diễn đường lực này không? Về tinh thần có đấy, thậm chí một số chỗ cứ như là chép lại (xem một bức tranh bột màu ông vẽ năm 1958).

– H. Matisse định nghĩa “Bố cục là sự sắp xếp các nhân tố khác nhau trên một mặt phẳng”. Sắp xếp thế nào thì ông không nói. Câu trả lời dễ thấy ở một số tranh trừu tượng. Do chỉ là sự sắp xếp các nhân tố thuần khiết (điểm, đường, diện), không phải các nhân tố đối chiếu với tự nhiên`như cái ghế, lọ cá vàng v.v… nên mắt ta dễ dàng theo dõi sự sắp xếp này. Thực tế, đó là sự sắp xếp các đường lực, với những cảm xúc về sự cân bằng lực (qua các trạng thái của nó như đăng đối tuyệt đối (syméstrie), đăng đối lệch (asyméstrie), đăng đối lần lượt (alterne). Paul Klee khi nói “Quá trình vẽ, điểm sẽ gọi điểm, đường sẽ gọi đường” chính là diễn đạt cái tinh thần của sự sắp xếp nêu trên (đường lực + cân bằng lực).

Một số bạn đọc sẽ cho là khó hiểu khi tôi nói một vệt vẽ thoải mái trên tranh là tương ứng với sự biểu diễn một sơ đồ đường lực. Vậy xin vay mượn ngôn ngữ thiên văn để gợi ý: Nó là một sơ đồ biểu kiến đường lực có da thịt (Biểu kiến: biểu hiện cho Thấy, “Nhìn” thấy).

Còn với sự sắp xếp điểm, đường, diện; kiểu sắp xếp tự thân các nhân tố thuần khiết này tạo ra một không gian bố cục hoàn chỉnh. Đó chính là ngôn ngữ của hội hoạ Trừu tượng. Đọc nó, theo tôi hãy bắt đầu bằng thứ công cụ ai cũng có: Lực thị giác, rồi hãy xét đến các vấn đề khác tiếp theo. Điều này giúp ta khỏi sa lầy vào kiểu phân tích “Giải mã nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa”.

Câu tự hỏi cuối cùng của phần này là: gợi ý của lối sắp xếp nói trên từ đâu mà có? Xin tùy bạn trả lời.

Tôi luôn nghĩ rằng khoa học hỗ trợ tốt cho nghệ thuật. Và ở nơi mà sự “cân, đong, đo, đếm” của khoa học dừng lại, sẽ xuất hiện các thiên tài nghệ thuật hỗ trợ vào để lấp đầy.

 

 

Kết luận chung

Những nguyên lý cơ bản liên quan đến nghệ thuật tạo hình đã định hình từ lâu. Không ngạc nhiên khi có ai đó bị phê phán “vẽ, nặn kiểu này Tây đã bỏ qua rồi”, vì lối vẽ, nặn kiểu nào cũng có nguồn nguyên lý cả. Đi sau thì chịu vậy. Cách mạng về Nguyên lý là cực hiếm, nhưng những biến thể của nó thì vô tận. Bởi thế, bức tranh “Sự kết thúc của hội họa” của Malevich (vẽ trước cả khi trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập) là một phát biểu bị kích động điển hình.

Chúng ta chưa đi đến 6 mặt màu thuần nhất của khối Rubic, chúng ta đang xoay nó!

Phê bình nghệ thuật là cực nhọc. Đó là công việc như khoa học. Nó không phải cuộc dạo chơi qua những biến thể sôi động của sáng tác nghệ thuật đang diễn ra trong và ngoài nước. Mỗi thế hệ đang quyết liệt làm công việc của mình. Có nhiều điều mới mẻ – biết đâu – sẽ xảy ra. Việc cũ chưa xong (tranh giá vẽ), việc mới đã ập đến (sắp đặt, trình diễn v.v…), lại thêm câu hỏi thường trực: Nghệ thuật thế giới đang thế nào? Tất cả ngổn ngang như một đại công trường. Người ta hay cho là: Nói (phê bình) thì dễ, làm (sáng tác) mới khó. Nhưng nói chỉ dễ khi tán nhảm. Nếu phê bình chỉ có trang bị kiến thức cũ kỹ cộng với lười lao động mà lại mong chụp lại chính xác diện mạo của sự ngổn ngang này là không tưởng.

Viết đến đây lại nhớ, một lần, tình cờ đứng gần một người thợ chữa xe máy, tôi thấy anh ta đang vừa chữa, vừa giảng giải cho chủ xe nguyên nhân hỏng hóc, tính năng ưu việt hay khiếm khuyết của xe máy Nhật với xe của các nước khác. Vốn rất ngu ở lĩnh vực này, tôi dỏng tai nghe. Thú vị thật! Bỗng đâu một cậu thợ học việc – nãy giờ chỉ lăng xăng đưa dụng cụ – chợt lanh chanh chen vào: “Xe máy Nhật khiếp lắm! Kiếm Nhật sắc cực! Xem Ninja Nhật đánh nhau thì hết ý! …”

Đang hào hứng lắng nghe những phân tích, so sánh cụ thể, đơn giản, dễ hiểu của người thơ cả về các bộ phận xe, tôi bỗng hẫng cả người trước sự liên tưởng quá xa xôi này của cậu học việc. Nhảy cóc từ xe máy đến Ninja, cũng còn may, bởi cậu ta chưa bay từ xe máy… đến Võ Sỹ Đạo.

Thế đấy, nên trước hết tập phê bình theo kiểu thợ, đừng ngộ nhận làm thầy vội. Nếu không bằng lòng với những bước đi này, chúng ta sẽ như cậu bé học việc kia, bay thẳng từ xe máy Honda đến… Võ sỹ đạo!

 

*

Bài liên quan:

Tán về “Phê bình = Tán”, Bài 1 – Ông Tuấn bình cô Mai: không thấy hình, chỉ thấy chữ
– Bài 2 – Phê bình kiểu Nguyễn Quân: sự diêm dúa của từ ngữ

– Thử phân tích hai tác phẩm “Hòa Bình” và “Thánh Gióng” của Nguyễn Hải

– Phê bình mỹ thuật: là bạn hay là kẻ quấy nhiễu?
 
– Phê bình mỹ thuật: nên có nhiều cách cùng tồn tại, tùy cá tính người viết

 

Ý kiến - Thảo luận

11:03 Thursday,23.4.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
là bạn các bạn ạ !
có bạn sẽ giúp công chúng hiểu tranh mình hơn

soi.today luôn đăng các bài hay. cảm ơn.
...xem tiếp
11:03 Thursday,23.4.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
là bạn các bạn ạ !
có bạn sẽ giúp công chúng hiểu tranh mình hơn

soi.today luôn đăng các bài hay. cảm ơn. 
11:22 Saturday,16.3.2013 Đăng bởi: 
... @ admin (...) là cách viết - còn Ba chấm là cách đọc như kiểu chữ nôm của ta ấy mà :) , vả lại mình cũng không nổi tiếng gì để mọi người phải chỉ mặt gọi tên nên Soi cứ cho mình xài nick này nhé - thật sự nhìn nó rất vô danh tiểu tốt và mình thích
...xem tiếp
11:22 Saturday,16.3.2013 Đăng bởi: 
... @ admin (...) là cách viết - còn Ba chấm là cách đọc như kiểu chữ nôm của ta ấy mà :) , vả lại mình cũng không nổi tiếng gì để mọi người phải chỉ mặt gọi tên nên Soi cứ cho mình xài nick này nhé - thật sự nhìn nó rất vô danh tiểu tốt và mình thích!!! Cám ơn Soi đã chiếu cố! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

E hèm, sau đây tôi xin trả lời...

Germaine Greer – Hồ Như Mai st và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả