Gẫm & Bình

Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Thái Lan 16. 02. 13 - 8:44 am

Họa sĩ Đức Hòa

Bìa các vựng tập triển lãm Mỹ thuật Quốc gia Thái Lan từ lần thứ 1 (1949) đến lần thứ 9 (1958).

I. ĐƯỜNG LỐI, QUY CHẾ, PHƯƠNG THỨC, TỔ CHỨC, QUY MÔ

1. Tên chính thức
: Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia (The National Exhibition of Art).

2. Đường lối chỉ đạo
:
– “Nhằm thúc đẩy sự quan tâm của người dân Thái đối với nghệ thuật hiện đại”.
– Nghệ thuật hiện đại không theo đuổi và đi tiếp con đường của quá khứ mà là sáng tạo cá nhân và nguyên bản.
– Nghệ thuật phản ánh tư tưởng và văn hóa của quốc gia.
– Thúc đẩy nghệ thuật hiện đại ở Thái Lan là mục tiêu của Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia.
– Khuyến khích cạnh tranh nghệ thuật chất lượng cao và nâng cao vị thế của các nghệ sĩ chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Bên ngoài số 2” – acrylic trên toan của Praiwan Dakliang, triển lãm MTQG Thái Lan lần thứ 27 (1981)

3. Thời hạn: được khởi xướng từ năm 1942 nhưng chỉ chính thức được tính là Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia lần thứ nhất từ 1949. Các kỳ triển lãm tổ chức rất sít sao: luôn nối tiếp nhau, thông thường chỉ cách nhau từ 1 đến 2 năm (từ 1949 đến 2011 đã tổ chức được tới 57 kỳ triển lãm! (Quả là quá mắn so với Việt Nam và Trung Quốc).

4. Nhà tổ chức: Cục Mỹ thuật và Trường Đại học Silpakorn (khoa Hội họa và Điêu khắc).

“Sinh ra từ tháng 2-1997” – khắc kim loại của Anupong Kachacheewa, triển lãm MTQG Thái Lan lần thứ 43 (1997).

5. Cơ cấu tổ chức:
– Thật kỳ lạ (theo quan điểm Việt Nam), Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia Thái Lan không do Chính phủ đứng ra tổ chức. Bộ Văn hóa không hiện diện liên tục trên chính trường. Thực chất Bộ này được thành lập từ 1952, hoạt động đến 1958, bị giải thể từ 1959, tái lập từ 2002. Chính phủ Thái chỉ chi tiền (dù là ngân sách) cho triển lãm này như một trong các bên tài trợ mà thôi.
– Cục Mỹ thuật (Department of Fine Art) trực thuộc chính phủ mới là cơ quan chủ chốt đứng ra tổ chức các kỳ triển lãm Nghệ thuật Quốc gia ngay từ 1949 đến nay, dù có hay không Bộ Văn hóa Thái Lan.
– Trường Mỹ thuật Thái Lan (sau đổi tên thành Đại học Silpakorn) là đối tác quan trọng của Cục Mỹ thuật trong việc phối hợp tổ chức các kỳ triển lãm.
– Nhà sáng lập, lãnh đạo và tổ chức những kỳ triển lãm đầu của TLNTQGTL là nhà điêu khắc gốc Ý Corrado Feroci (1892-1962). Ông cũng là người sáng lập Trường Mỹ thuật Thái Lan năm 1933. Sang Thái Lan từ 1920, ông ở lại hẳn và đến 1944 thì đổi quốc tịch, lấy tên Thái là Silpa Bhirasri.

Giáo sư Silpa Bhirasri (tức Corrado Feroci) – người sáng lập Trường Mỹ thuật Thái Lan đồng thời sáng lập, lãnh đạo và tổ chức triển lãm Mỹ thuật quốc gia Thái Lan.

 

6. Ban Giám khảo: ban đầu chủ yếu là các giáo sư-họa sĩ và nhà điêu khắc của trường Mỹ thuật, sau thêm một số họa sĩ Thái nổi tiếng khác.
– Quan trọng nhất là giáo sư S.Bhirasri (tức C.Feroci), ông làm giám khảo 7 kỳ triển lãm vào các năm 1949, 1950, 1951, 1956, 1960, 1961, 1962.
– Quan trọng thứ nhì là họa sĩ Nhật Bản Monet Satomi, vốn học vẽ ở Pháp, lấy vợ Pháp. Ông được chính phủ Nhật bổ nhiệm làm Tùy viên Văn hóa của Sứ quán Nhật tại Thái trong Đại chiến II, kiêm hiệu trưởng Mỹ thuật Thái Lan. Ông ở Thái 10 năm và làm giám khảo 2 kỳ triển lãm vào các năm 1949 và 1950.
– Quan trọng thứ ba là nữ họa sĩ người Thái Misiem Yipintsoi (1906-1988). Bà có tranh tham dự ngay từ kỳ TLNTQGTL đầu tiên, và đặc biệt hơn, bà là một trong những nhà tài trợ chính cho những kỳ triển lãm đầu. Bà đã tham gia ban giám khảo 20 lần trong các kỳ thứ 6, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 28, 29, 30.
– Người làm giám khảo TLNTQGTL nhiều nhất là họa sĩ Sawasdi Tantisuk với 31 lần (tính đến năm 1998).

Rất tiếc chúng tôi không có Danh sách Ban Giám khảo TLNTQGTL từ sau năm 1998.

“Song of oppression from open field” (Bài ca của sự áp bức ngoài đồng trống) – sơn dầu của Paisal Theerapongvisanuporn, triển lãm MTQG Thái Lan lần thứ 27 (1981).


7. Phương thức triển lãm
: trừ những kỳ đầu chỉ bày tại thủ đô, hiện TLNTQGTL hàng năm bày lần lượt ở 7 hay 8 nơi gồm thủ đô Bangkok, miền Bắc là Chieng Mai, miền Đông Bắc có thể là Maha Sarakham, Khon Kaen, Ubon Ratchathani, Udon Thani…, miền Nam có thể là Pattani, Songkhla hay Phuket…
Đa số triển lãm khai mạc tại thủ đô nhưng đôi khi lại ở các thành phố xa xôi khác.

8. Quy chế: rất tiếc đây là phần chúng tôi thiếu tài liệu, chỉ biết một vài quy chế phụ như:
– Lượt đầu, các tác giả không gửi tranh đến ngay mà gửi phim slide hay video đến cho Ban Giám khảo duyệt vòng 1. Lượt sau mới gửi tác phẩm trực tiếp.
– Từ kỳ 1 đến kỳ 28 chỉ có họa sĩ Thái Lan được tham dự. Chỉ có hai ngoại lệ: một là họa sĩ Nhật Monet Satomi – đã nói ở trên, và hai là tại kỳ triển lãm thứ 3, năm 1951, đại diện Chính phủ Việt Nam đã gửi tranh tham dự (hiện chưa rõ là Chính phủ nào, ở Việt Bắc hay ở Sài Gòn?).
– Vua Thái đương nhiệm B. Adulyadej (cầm quyền từ 1946 đến nay) đã nhiều lần bày tranh danh dự tại các kỳ triển lãm 14, 15, 16, 17, 20, 21, 22, 23, 24, 32, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44… Ngài chuyên vẽ sơn dầu, đề tài chân dung các thành viên hoàng gia, trừu tượng hoặc bán trừu tượng.

Những bức tranh sơn dầu của Vua Thái Lan Adulayaded bày danh dự tại các triển lãm Mỹ thuật Quốc gia Thái Lan.

–  Kể từ kỳ 29 (1983), triển lãm Nghệ thuật Quốc gia Thái Lan mở rộng, cho phép các họa sĩ nước ngoài tham dự, nhưng nếu tranh tượng của họ đoạt giải thì chỉ được nhận bằng chứng nhận mà không có tiền kèm theo.

9. Hạng mục giải thưởng: có các giải Nhất-huy chương Vàng, giải Nhì-huy chương Bạc, giải Ba-huy chương Đồng, với hiện kim đi kèm (thí dụ, huy chương Vàng năm 2010 trị giá 150.00 baht, tương đương 10 triệu VNĐ).
– Tác giả nào nhận được cả 3 huy chương trong cùng thể loại sẽ được vinh danh là Nghệ sĩ ưu tú và kỳ sau có thể bày tác phẩm trong TLNTQGTL mà không phải thông qua Ban Giám khảo.
– Ngoài giải chính thức, gọi là Giải thưởng Quốc gia, còn có các giải của các tổ chức tài trợ khác như Ngân hàng Krung Thai, Ngân hàng Nông nghiệp Thái, hãng Shell, Japan Airline…

“Bần cùng hóa” – điêu khắc tổng hợp của Daeng Buasan, triển lãm MTQG Thái Lan lần thứ 44 (1998).

 

10. Phân loại ngành mỹ thuật tham gia triển lãm
– Từ kỳ đầu (1949) đến kỳ 14 (1963) TLNTQGTL có khá nhiều chuyên ngành như hội họa, điêu khắc, đồ họa, tranh đơn sắc, cổ động, trang trí, ứng dụng, tranh thiếu nhi (với hai phân loại: dưới 8 tuổi và từ 8 đến 14 tuổi).
– Từ kỳ 15 đến kỳ 26, TLNTQGTL chỉ còn chấp nhận các tác phẩm thuộc 3 chuyên ngành hội họa, đồ họa, điêu khắc.
– Từ kỳ 27 đến nay có thêm đa phương tiện (Mixed Media- có thể hiểu gồm chất liệu tổng hợp, video art, digital art…).

“Người nghèo” – khắc gỗ của Tawee Rujanee Korn, triển lãm MTQG Thái Lan lần thứ 11 (1960).

 

11. Kinh phí và lệ phí triển lãm
– Nguồn kinh phí cho triển lãm này gồm một phần từ ngân sách nhà nước và đóng góp từ các nhà tài trợ. Các nhà tài trợ lớn gồm có Krung Thái Bank, Thai Farmers Bank, Shell Compagny, Srinakorn Bank, Esso Standard Compagny, Japan Airline, Diethhelm & Co, báo Siamrath, tạp chí Decoration… Các cá nhân tài trợ nhiều có nữ họa sĩ Misiem Yipintsoi (đã nói ở trên) hay Thống chế P.Phibulsongkram…
Đầu ra của triển lãm cũng rất tốt khi tranh bán được khá nhiều. Các nhà tài trợ cũng thích mua tranh hoặc sau đó đặt hàng các nghệ sĩ.
– Chúng tôi chưa hề thấy tài liệu nào nói đến lệ phí triển lãm hay nhuận treo dành cho các tác giả. Có lẽ không tồn tại các vấn đề này.

“Trạng thái tiềm thức” – tranh sơn dầu của Kiettisak Chanonnart, triển lãm MTQG Thái Lan lần thứ 26 (1980).

 

12. Tuyên truyền: các thông báo về TLNTQGTL xuất hiện rất sớm và kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh, truyền hình, trên mạng Google, Youtube hay các trang web của các gallery. Các vựng tập in rất sang trọng được phát miễn phí nhân ngày khai mạc.

II. TIẾN TRÌNH TRIỂN LÃM

Chúng tôi may mắn có được một số bảng thống kê khá chi tiết các kỳ triển lãm từ 1949 đến 1998 rút từ cuốn sách 5 thập kỷ Triển lãm Nghệ thuật quốc gia Thái Lan. Vì Soi không đưa lên, bạn đọc nào có nhu cầu biết rõ, xin liên hệ qua email soihouse để được cung cấp thêm (gồm 3 bảng: 1 là Trị giá giải thưởng; 2 là Thống kê triển lãm từ kỳ thứ 1 đến kỳ thứ 14; 3 là Thống kê triển lãm từ kỳ thứ 15 đến kỳ thứ 56).

“Môi trường” – sắp đặt của Vichoke Mukdamanee, triển lãm MTQG Thái Lan lần thứ 38 (1992).

 

III. SƠ BỘ NHẬN XÉT VỀ TRIỂN LÃM MỸ THUẬT QUỐC GIA THÁI LAN

1. Từ 1949 đến 2011, TLNTQGTL đã tổ chức được 57 kỳ, hầu hết liên tục mỗi năm 1 kỳ, chỉ có 6 năm không tổ chức được, gồm 1952, 1966, 1970, 1973, 1975, 1978. Vì liên tục nên số lượng tác phẩm tham dự mỗi kỳ không nhiều, dẫn tới đự đoán không gian trưng bày không cần rộng lớn, cũng không phải chịu cảnh treo tranh rất sít và chật chội.

2. Ngoài địa điểm thủ đô, triển lãm còn tiếp tục mang đi bày ở 5 – 7 địa điểm khác ở các vùng xa phía Bắc, Đông Bắc và Nam (năm 2010 sau khi khai mạc và bày tại Bangkok, TLNTQGTL tiếp tục được đưa đi bày tại Chiang Mai ở cực Bắc, Khon Kaen, Maha Sarakham ở vùng Đông Bắc, Chon Buri ở Đông Nam, Songkhla, Pattani ở cực Nam và Champasri chưa rõ ở vùng nào).

3. Đường lối chỉ đạo tỏ ra rất chuyên nghiệp và thực tế.

4. Giải thưởng chỉ gồm các Huy chương Vàng, Bạc, Đồng dành cho các tác phẩm mỹ thuật, không có giải Khuyến khích như Việt Nam, cũng không có giải Lý luận và Thành tựu trọn đời như Trung Quốc.

5. Không thấy nhắc đến nhuận treo và lệ phí.

6. Có mấy chuyên ngành lạ so với TLMTTQ Việt Nam là đa phương tiện, tranh thiếu nhi, tranh đơn sắc.

“Điệu nhạc” – tượng đồng của Khien Yimsiri, triển lãm MTQG Thái Lan lần thứ 1 (1949).

 

7. Người sáng lập, tổ chức và lãnh đạo TLNTQGTL lại là người phương Tây nhưng nhập quốc tịch Thái, đồng thời ông cũng là người sáng lập trường Mỹ thuật của Thái (gần giống trường hợp Victor Tardieu năm 1925 ở Hà Nội).

8. Khác với Việt Nam, từ kỳ triển lãm thứ 29 (1983) TLNTQGTL cho phép tác giả nước ngoài được tham dự nhưng nếu đoạt giải thì chỉ nhận bằng, không nhận tiền.

9. Lãnh tụ tối cao của Thái Lan lại cũng là họa sĩ và nhiều lần tham gia bày tranh danh dự.

10. Ban Tổ chức và cách tổ chức khác với ta: chỉ có Cục Mỹ thuật và trường Mỹ thuật, không có Bộ Văn hóa (từng bị giải thể rất lâu) và Hội Mỹ thuật; kinh phí tổ chức triển lãm có được từ rất nhiều nguồn tài trợ chứ không hoàn toàn của nhà nước.

11. Giải thưởng chính thức của Triển lãm MTQGTL năm 2010 gồm có 01 Huy chương Vàng, 08 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng. Ngoài ra còn có 12 giải của Ngân hàng Krung Thái và 11 giải của Office of Contemporary Art and Culture.

12. Trị giá Huy chương Vàng năm 2010 (tranh chì dầu/vải, 250 x 450 cm của Suporn Kaewda) là 150.000 baht (tương đương 10 triệu VND). Như vậy là bé hơn Huy chương Vàng của MTTQ cùng năm 2010 của Việt Nam, trị giá 30 triệu đồng (tất nhiên bao gồm cả thuế thu nhập).

Bìa cuốn 5 thập kỷ Triển lãm Mỹ thuật Quốc gia Thái Lan, 1949 – 1998

 

*

Bài gốc đã được đăng trên đặc san Nghiên cứu Mỹ thuật của Trường ĐHMTVN và Viện Mỹ thuật số cuối năm 2012. Soi đã xin phép tác giả được chia thành nhiều kỳ để các bạn dễ theo dõi và thảo luận.

 

*

Bài liên quan:

– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Trung Quốc (phần 1)
– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Trung Quốc (phần 2)

– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Thái Lan
– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Pháp (phần 1)
– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Pháp (phần 2)

– Các vấn đề của triển lãm mỹ thuật toàn quốc tại Việt Nam

– So sánh triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Việt Nam với các nước khác

 

*

Bài cùng tác giả:

– Chất liệu và lòng tự trọng 
– Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN lần thứ nhất 2012: cơ hội giao lưu hiếm có cho đồ họa Việt Nam
 
– LA GIOCONDA: Phần 1 – Ai cũng nói đến nó…
 
– LA GIOCONDA – phần 2: Vậy “MONA LISA” đẹp ở chỗ nào?
 

 

Ý kiến - Thảo luận

15:38 Friday,10.5.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Quỳnh Na
Xin đính chính: 150.000 bath = 100.000.000 VNĐ chứ không phải 10 triệu nhé.
...xem tiếp
15:38 Friday,10.5.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Quỳnh Na
Xin đính chính: 150.000 bath = 100.000.000 VNĐ chứ không phải 10 triệu nhé. 
12:06 Saturday,16.2.2013 Đăng bởi:  ***
Đầu tiên chính là người châu Âu đã đem hội hoạ và âm nhạc châu Âu vào Nhật Bản. Antonio Fontanes (1818 - 1882) là họa sĩ châu Âu đầu tiên đã tới Nhật dạy vẽ tại trường mỹ thuật công nghiệp và đã truyền bá phong cách hội họa hiện thực châu Âu vào nước n&agr
...xem tiếp
12:06 Saturday,16.2.2013 Đăng bởi:  ***
Đầu tiên chính là người châu Âu đã đem hội hoạ và âm nhạc châu Âu vào Nhật Bản. Antonio Fontanes (1818 - 1882) là họa sĩ châu Âu đầu tiên đã tới Nhật dạy vẽ tại trường mỹ thuật công nghiệp và đã truyền bá phong cách hội họa hiện thực châu Âu vào nước này.
Hoạ sĩ người Tàu Từ Bi Hồng từ Trung Hoa đã lặn lội sang Tokyo để học hội họa phương Tây năm 1917 - 1918, sau đó sang Paris và Berlin học tiếp năm 1919 - 1927. Năm 1927 họ Từ về nước và được bổ nhiệm làm trưởng khoa nghệ thuật tại Đại học Sư phạm Lạng Giang tại Nam Kinh. Tại đây họ Từ đã lớn tiếng phê phán quan niếm hội họa Trung Hoa cổ, ra tay cải cách hội họa Trung Hoa theo quan niệm hội họa phương Tây.
Nhờ cụ Victor Tardieu mở trường MTĐD năm 1925 mà nay ta có trường YK.
Ở Thái Lan hoá ra cũng là nhờ cụ hoạ sĩ Ý Corrado Feroci mà có trường mỹ thuật vào năm 1933.
Bài học rút ra là nếu không nhờ mấy ông Tây mắt xanh mũi lõ "áp đặt" và "khai hoá" thì không biết đến bao giờ hội hoạ và âm nhạc phương Tây mới chui được vào được cái đầu đầy ắp thuần phong mỹ tục của người châu Á. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tức quá, người ta cứ nghĩ là SOI giỏi

Bạn Thành và Soi (tranh luận với nhau :-)

Ác mộng Trump đã đến

Hrag Vartanian - Hoa Hoa lược dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả