Gẫm & Bình

Xem tranh: Primavera – mùa xuân huyền bí06. 11. 13 - 4:48 pm

Anh Nguyễn biên soạn

Thời gian trôi qua như bóng câu ngoài cửa sổ, bốn mùa luân chuyển, vạn vật đổi thay, nhưng từ năm 1919 đến nay tại bảo tàng Uffizi, Florence, Ý, một mùa xuân vĩnh viễn ngự trị. Mỗi năm xấp xỉ một triệu rưỡi khách du lịch tới đây để trầm trồ trước kiệt tác Primavera (Mùa xuân) của danh họa Botticelli. Đối với bảo tàng Uffizi, tầm quan trọng của Primavera chả khác nào Mona Lisa đối với Louvre nước Pháp! Và cũng như nàng La Gioconda, Primavera là một ẩn số đối với những người yêu nghệ thuật. Khu vườn trong bức tranh có một vẻ đẹp phi thời gian, linh thiêng, bí ẩn, đầy quyến rũ.

“Primavera”, 1482, 3.14 x 2.03m, tempera trên bảng. (Trong cả bài, các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn nhé)

Tác giả của Primavera là một người con của Florence, nơi đồng thời sản sinh ra Michelangelo và Donatello. Sandro Botticelli sáng tác dưới sự bảo trợ của gia tộc Medici – một trong những gia đình giàu có và quyền lực nhất trong lịch sử nhân loại. Người đứng đầu nhà Medici, Lorenzo de Medici, là một ví dụ điển hình của hình ảnh “Hoàng tử Phục Hưng” – thông tuệ, oai nghiêm, xuất chúng trong mọi lĩnh vực. Lorenzo chính là người yêu cầu Botticelli vẽ nên Primavera để làm một món quà cưới cho người em họ. Nhiều học giả cho rằng Lorenzo chính là người mẫu của vị thần truyền tin áo đỏ – Hermes  theo Hy Lạp (hoặc Mercury theo La Mã), con trai của Zeus/Jupiter.

“Lorenzo”, tranh của Girolamo Macchietti (thế kỷ thứ 16)

Sau thời kì Trung cổ tăm tối, thời đại Phục Hưng là một sự bùng nổ về văn hóa, khoa học, nghệ thuật. Thành phố Florence cũng trải qua thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử. Nhà Medici khao khát tạo dựng Florence như một La Mã thứ hai, và những thần thánh, tiên nữ, anh hùng,…của thần thoại Hy Lạp/La Mã trở nên thời thượng trong nghệ thuật. Khi ngắm Primavera do kỹ thuật phối hợp thị giác tài tình của Botticelli, người xem có cảm giác như nhìn qua cánh cửa của một khu vườn bí mật – một khu vườn cam – loại cây biểu tượng của nhà Medici. Thật khó tin nhưng trong khuôn khổ của một bức tranh cỡ 3 x 2m, Botticelli đã bao gồm hơn 500 loại cây cỏ khác nhau, trong đó có 190 loại hoa! Từng nhành hoa, ngọn cỏ đều được khắc họa tỉ mỉ với sự chính xác của một nhà giải phẫu học. Có thể nói thực vật trong Primavera cũng là các nhân vật riêng lẻ.

Chi tiết tranh mô tả nền khu vườn của Flora, Trong tranh có 500 loại cỏ cây khác nhau, với khoảng 190 loài hoa, với ít nhất 130 loài là có tên cụ thể. Toàn bộ bức tranh rất giống loại thảm của Phổ vốn rất được ưa chuộng thời bấy giờ.

 

Chi tiết hoa trong Primavera. Đây là thần Mùa xuân

 

Chi tiết hoa trong tranh

Từ trái qua phải, chín nhân vật của Primavera lần lượt là: thần truyền tin (Hermes/Mercury), ba nữ thần Duyên dáng, Nhan sắc, Thông minh (Three Graces/Gratiae), nữ thần tình yêu và sắc đẹp (Aphrodite /Venus), thần tình yêu (Eros/Cupid ), nữ thần mùa xuân (Primavera), nữ thần hoa (Flora), và thần gió Đông (Zephyrus).

.

Hàng trăm năm nay các học giả luôn tranh cãi về ý nghĩa và quan hệ giữa các nhân vật. Một điều khó phủ nhận là sự tương đồng giữa hình ảnh Venus và Đức Mẹ Đồng Trinh. Từ hình dáng bàn tay đến màu áo đỏ đặc trưng của Đức Mẹ đều là những hình ảnh song song, và ngay cả thần ái tình nhỏ cũng là một bản sao của Chúa hài đồng. Botticelli và những người trong dòng họ Medici đều là những tín đồ Công giáo ngoan đạo. Việc đồng nhất hình ảnh Venus và Đức Mẹ giúp việc chuyển hóa tín ngưỡng trong bức tranh này trở nên dễ dàng hơn.

Hình ảnh Venus trong Primavera

Có thể khẳng định Primavera là bức họa đầu tiên của phương Tây trong hơn một nghìn năm có sử dụng những hình ảnh đa thần (pagan). Vệ Nữ đứng ở trung tâm bức tranh, tựa vào cây sim – loại cây mang ý nghĩa biểu tượng, bởi những chiếc lá sim chính là chiếc áo đầu tiên của nàng khi sinh ra từ bọt biển. Vị trí của Vệ Nữ có một ý nghĩa tượng trưng – nàng chính là lòng nhân ái (humanitas) ngăn cách giữa thế giới tâm linh (bên trái) và thế giới dục vọng (bên phải). Đây là một khái niệm mới trong thời kì Phục Hưng – triết học Plato mới (Neoplatonism), sự kết hợp giữa lí trí và sự cao thượng của tình yêu Kito giáo. Do đó Primavera là sự “trả bài” của Botticelli dành cho triết học, đồng thời khẳng định sự tiến bộ trong tư tưởng của gia đình Medici.

Hai mẹ con Venus và Cupid

 
Tất cả những gì diễn ra trong Primavera đều mang ý nghĩa tình yêu, theo một cách nào đó. Ngoài thần Vệ Nữ là trung tâm của bức tranh, ba nữ thần ở bên trái của bức tranh là mục tiêu của thần tình yêu bịt mắt. Trong thần thoại Hy Lạp, Eros vừa là một trong năm vị thần đầu tiên sinh ra từ Hỗn Mang (Chaos), vừa là vị thần trẻ nhất, được sinh ra mỗi khi tình yêu bắt đầu. Do đó Eros thường được miêu tả như một chú bé sơ sinh. Trong Primavera, Eros chính là sự kết hợp của các hình ảnh Chúa hài đồng hoặc thiên thần nhỏ tuổi (Cherubim), cộng thêm nét nghịch ngợm. Ai cũng biết mũi tên của chú bé bắn vào ai thì người đấy sẽ yêu mù quáng. Thật khó để biết ai trong ba nữ thần sẽ là mục tiêu của thần ái tình tinh quái.

Cupid trong tranh là hình ảnh của một thiên thần con

 
Bên trái, thần Mercury giơ cao cây gậy ngăn gió mưa để ba nàng tiên có thể đắm chìm trong điệu vũ. Thường được gọi là nhóm ba người đẹp nhất trong hội họa phương Tây, rất có khả năng cả ba nữ thần cộng với thần Vệ Nữ ở trung tâm bức tranh đều được Botticelli vẽ theo đường nét của Simonetta Vespucci – mĩ nhân số một ở Florence thời bấy giờ.
 

Ba vẻ đẹp” trong Primavera

Trên thực tế, dù chỉ sống đến 23 tuổi, Simonetta được coi là người đẹp nhất trong thời đại của mình. Tất cả những nhà quý tộc ở Florence đều mê mẩn cô, kể cả khi cô đã làm vợ Marco Vespucci. Có người cho rằng tất cả những người phụ nữ trong các bức tranh của Botticelli đều mang gương mặt của Simonetta!

Simonetta Vespucci, tranh của Botticelli

 

Simonetta trong một bức tranh khác của Botticelli: “Sự ra đời của thần Venus”

Việc Primavera mang hơi hướng lãng mạn là một chủ ý của tác giả bởi đây là một món quà cưới, đặc biệt dành cho cô dâu trẻ măng của em họ Lorenzo Medici. Thật khó có thể xác định Botticelli có thực sự đem Simonetta vào Primavera hay không, song việc Botticelli say đắm bà là không phải bàn cãi, vì ông đã yêu cầu khi chết được chôn ở dưới chân bà tại nhà thờ Ognissanti.

Còn một điều gây tranh cãi trong Primavera là hành động “kì lạ” diễn ra ở bên phải bức tranh của thần gió Zephyrus. Theo thi hào Ovid, sự quyến rũ của tiên nữ Chloris đã khiến Zephyrus theo đuổi nàng. Khi hai người hòa hợp, những bông hoa nở từ miệng nàng và nàng biến thành thần hoa Flora. Và kể từ đó, trái đất toàn một màu xanh – từ Hy Lạp chính là khloros. Đó cũng là lý do vì sao vị thần gió lại có làn da màu xanh dương nhạt.

.

 

Tiên nữ Chloris và thần gió

Tuy nhiên để hiểu một cách toàn cảnh về chất thơ của Primavera, ta cần đặt bên cạnh nó một bức tranh không kém nổi tiếng của Botticelli – “Sự ra đời của Vệ Nữ” Cũng được đặt ở bảo tàng Uffizi, bức tranh diễn tả lại sự ra đời của Vệ Nữ từ bọt biển. Thần gió Zephyrus thổi cơn gió lành đưa chiếc vỏ sò từ ngoài biển dạt vào bờ, và một trong ba nữ thần Duyên dáng đem đến cho nàng tấm áo che thân.

.

 
Nếu đặt “Sự ra đời của Vệ Nữ” ở bên trái của “Mùa xuân”, ta sẽ thấy đó là một câu chuyện liền mạch. Ta có cùng một khu rừng, một mảnh đất, những thảm hoa, những cây cam, thậm chí khoảng cách giữa những cái cây cũng y hệt. Vệ Nữ trần trụi đã hóa thành Vệ Nữ linh thiêng – một hình tượng người mẹ thay vì cô gái mới sinh ra từ biển cả. Nếu trong bức họa đầu tiên ta có Vệ Nữ, thần gió Đông, và nữ thần Duyên dáng, thì trong bức họa thứ hai, ta lại có tất cả những nhân vật đó. Câu chuyện theo trình tự bắt đầu với thần gió, từ phải qua trái, và kết thúc với thần gió chính là một bản nhạc đông, xuân, hạ, thu, như một vòng tuần hoàn khép kín hoàn hảo.

.

Nữ thần tình yêu nhục cảm trong “Sự ra đời của Vệ Nữ” đứng trên vỏ sò mong manh và những đợt sóng xô đẩy, nhưng nữ thần tình yêu với vai trò người mẹ-hôn nhân-tình yêu lí trí trong Primavera đứng trên mảnh đất vững chãi – trên hết, Primavera là lời ca ngợi tình yêu – tình yêu thiêng liêng là bước tiếp theo của tình yêu trần tục, và cao hơn tình yêu trần tục. Những trái cam lúc lỉu là lời chúc cặp đôi tân hôn có con đàn cháu đống.

Tuy còn rất nhiều điều bí ẩn về Primavera, song giống như giám đốc bảo tàng Metropolitan ở New York nói: “Có thể bức tranh ấy không thể hiểu hay diễn giải được, nhưng điều đó không ngăn được bạn yêu nó.” Vẻ đẹp của Primavera qua bảy thế kỉ đã, đang, và sẽ làm mê hoặc nhiều thế hệ người yêu nghệ thuật.

 

Ý kiến - Thảo luận

9:42 Friday,15.11.2013 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Cảm ơn sự động viên của bạn. Hy vọng sẽ đem lại cho bạn nhiều niềm vui hơn trong các bài viết sau :)

...xem tiếp
9:42 Friday,15.11.2013 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Cảm ơn sự động viên của bạn. Hy vọng sẽ đem lại cho bạn nhiều niềm vui hơn trong các bài viết sau :)
 
14:20 Thursday,7.11.2013 Đăng bởi:  Minh Vũ
Cảm ơn Soi đã đăng những bài viết như thế này, giúp cho tôi học được nhiều điều về mỹ thuật. Bài viết khúc triết, dễ hiểu giúp cho dân ngoại đạo như tôi thêm yêu thích các tác phẩm hội họa. Hy vọng được đọc tiếp các bài như thế này trên Soi.
...xem tiếp
14:20 Thursday,7.11.2013 Đăng bởi:  Minh Vũ
Cảm ơn Soi đã đăng những bài viết như thế này, giúp cho tôi học được nhiều điều về mỹ thuật. Bài viết khúc triết, dễ hiểu giúp cho dân ngoại đạo như tôi thêm yêu thích các tác phẩm hội họa. Hy vọng được đọc tiếp các bài như thế này trên Soi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp